Lợi nhuận giảm tốc, doanh nghiệp bao bì giấy kỳ vọng điều gì?
Giá nguyên liệu tăng mạnh và giãn cách xã hội trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý III/2021 của nhiều công ty bao bì giấy. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng giá bán trung bình và biên lợi nhuận gộp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi nhu cầu giấy bao bì đi lên, bù đắp cho đà tăng của giá đầu vào là thùng carton cũ.
*Lao đao vì chi phí
Kết thúc quý III/2021, Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (mã chứng khoán: SVI) ghi nhận doanh thu thuần hơn 416 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lãi ròng hơn 13,9 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân do doanh thu bán hàng thấp, trong khi giá nguyên vật liệu chính là giấy cuộn, duplex và các nguyên liệu phụ đều tăng. Mặt khác, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng và chi phí cho các hoạt động phòng chống COVID-19 tăng mạnh trong khi giá bán không tăng.
Đối với Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC), quý III/20201, doanh nghiệp có doanh thu 949 tỷ đồng, tăng 35% so với quý cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế 87,6 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù vậy, kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm mạnh cho với 3 quý liền trước. Cụ thể, quý II/2021, Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre có lãi sau thuế là hơn 128 tỷ đồng trong quý II/2020, tăng 62% so cùng kỳ. Quý I/2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 172,9 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2020, công ty có lợi nhuận sau thuế đạt 154 tỷ đồng, tăng gần 47% so với cùng kỳ 2019.
Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre lý giải dù doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm tốc là do sản lượng sản xuất và bán ra, giá giấy đầu ra, giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác cùng tăng thúc đẩy tăng trưởng cả doanh thu và giá vốn.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng do tăng các khoản thuê ngoài phục vụ quản lý, chi phí 3 tại chỗ, khoản ủng hộ, tài trợ cho hoạt động chống dịch và khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Theo Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre, từ đầu năm 2021, nhu cầu giấy bao bì tăng mạnh, thúc đẩy cả sản lượng bán và giá bán trung bình. Ban lãnh đạo kỳ vọng giá bán trung bình và biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi nhu cầu giấy bao bì đi lên, bù đắp cho đà tăng của giá đầu vào là thùng carton cũ.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong quý III/2021, giá giấy thùng cacton cũ tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã có mức tăng trung bình từ 96 - 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 2 năm lại đây.
SSI nhận thấy giá giấy thùng cacton cũ có mức tăng mạnh từ năm 2020-2021 nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ thu gom giấy thu hồi trên thế giới giảm mạnh, đặc biệt tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản do giãn cách xã hội kéo dài.
Theo RISI (Tổ chức nghiên cứu về giá và thị trường sản phẩm gỗ bao gồm giấy và bột giấy), trong năm 2021, năng lực sản xuất giấy bao bì công nghiệp (testliner, medium) từ nguyên liệu giấy thùng cacton cũ dự kiến tăng hơn 3,5 triệu tấn tại châu Á (không tính Trung Quốc), 2,6 triệu tấn tại Tây Âu, khoảng 1,6 triệu tấn tại Bắc Mỹ và khoảng 1 triệu tấn tại Nam Mỹ.
Ngược lại, năm 2020, sản lượng toàn cầu giảm khoảng 5 triệu tấn; cước vận chuyển đường biển tăng liên tục từ cuối quý IV/2020 đến nay.
Tuy nhiên về dài hạn, SSI cho rằng nguồn cung giấy tái chế sẽ cân bằng với nhu cầu tiêu thụ, khi hoạt động vận chuyển được phục hồi và tỷ lệ thu gom giấy thùng cacton tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tăng trở lại, dẫn đến giá giấy thùng cacton ít biến động hơn.* Cơ hội gia tăng xuất khẩu giấy công nghiệp
Theo Công ty Chứng khoán SSI (SSI), tạm dừng hoạt động các nhà máy giấy Trung Quốc có thể ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu nhập khẩu giấy từ Việt Nam.
Từ cuối tháng 9/2021, nhiều nhà máy sản xuất giấy và bao bì lớn của Trung Quốc buộc phải hoạt động luân phiên hoặc dừng sản xuất như: APP, Lee&Man Paper Manufacturing, Oji Holdings… do ảnh hưởng của câu chuyện thiếu điện, dẫn đến việc cắt giảm mạnh sản lượng giấy, bìa cung ứng cho thị trường.
SSI cho rằng điều này sẽ tác động tích cực, làm tăng nhu cầu nhập khẩu giấy từ Việt Nam trong ngắn hạn. Nhu cầu nhập khẩu giấy vào Trung Quốc gia tăng do chính sách giảm ô nhiễm môi trường. Vào tháng 7/2017, trong khuôn khổ các chính sách bảo vệ môi trường, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ bắt đầu thắt chặt nhập khẩu giấy vụn trong khoảng thời gian ba năm. Kể từ khi thông báo, lượng nhập khẩu giấy vụn đã giảm 30% trong giai đoạn 2018-2020.
Theo RISI, việc tăng năng lực sản xuất mới trong Trung Quốc sẽ chậm lại từ gần 5 triệu tấn xuống chỉ còn 1,4 triệu tấn vào năm 2021. Do đó, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu giấy công nghiệp để bù vào lượng thiếu hụt.
Dự báo lượng giấy nhập khẩu từ Việt Nam đạt 960 nghìn tấn trong năm 2021. SSI cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu giấy công nghiệp kể từ cuối năm 2021 trở đi.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Giấy và bao bì Việt Nam, trong quý IV/2021 sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại do việc nhập khẩu giấy vào Trung Quốc từ các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu sẽ bị thu hẹp do cước phí vận tải đường biển tăng cao; áp lực tăng về chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, hoá chất, thiết bị, sửa chữa và bảo dưỡng… tại Trung Quốc dẫn đến giá thành cao sẽ khó khăn trong cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại 2T cho rằng, đại dịch COVID-19 tác động tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp bao bì với sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Nếu như các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng và bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao thì nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp lại có xu hướng giảm.
Dù COVID-19 tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên nó cũng mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho sự phát triển của ngành bao bì giấy. Đặc biệt là cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và khoa học công nghệ trong sản xuất và in ấn.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại 2T nhận định, để biến cơ hội thành hiện thực, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần thích ứng nhanh, có phương án phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó là sự quan tâm vào cuộc của các ban ngành liên quan, tích cực hỗ trợ hồ sơ pháp lý, thuận tiện giao dịch xuất nhập khẩu. Đây được xem là thách thức và cả cơ hội để doanh nghiệp giấy bao bì bứt phá và phát triển bền vững./.
Tin liên quan
-
Chứng khoán
Đông Hải Bến Tre dự kiến vay 1.100 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động
10:30' - 23/06/2021
Đông Hải Bến Tre thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Tiền Giang để bổ sung vốn lưu động với tổng hạn mức tín dụng là 1.100 tỷ đồng.
-
Chứng khoán
Đông Hải Bến Tre có lợi nhuận tăng 93%
08:30' - 23/04/2021
Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận sau thuế tăng tới 93% so với cùng kỳ.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.