Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo như thế nào trong năm 2022?

16:14' - 15/01/2022
BNEWS Giới chuyên gia dự báo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vẫn rất khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt trên 20% so với năm trước.
Tuy đến thời điểm này, báo cáo tài chính quý IV/2021 của hầu hết các ngân hàng đều chưa công bố nhưng nhiều kết quả kinh doanh khả quan đã được tiết lộ với lợi nhuận hoàn thành và vượt chỉ tiêu năm qua. Giới chuyên gia dự báo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vẫn rất khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt trên 20% so với năm trước.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận cả năm vượt 7% so với kế hoạch, đạt 311 tỷ đồng. Kết quả này không quá bất ngờ khi ngay trong nửa đầu năm 2021, Bản Việt đã công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đóng góp chính vào việc hoàn thành lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiên, tính riêng trong quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế của Bản Việt chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này. Giải trình nguyên nhân biến động, ngân hàng cho biết chủ yếu do tác động bất lợi của dịch COVID-19, thực hiện đúng chỉ đạo chung của Ngân hàng Nhà nước, Bản Việt trích lập dự phòng toàn bộ đối với danh mục tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, miễn giảm phí... cho khách hàng.

 
Trước đó, nhóm các ngân hàng lớn "big 4" cũng đã úp mở về lợi nhuận năm 2021. Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) hiện là đơn vị duy nhất công bố cụ thể con số lợi nhuận với hơn 14.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2020. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%; trong đó, gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại khá dè dặt, không nhắc tới các con số cụ thể mà chỉ nhấn mạnh vào việc hoàn thành kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra song song với việc tập trung nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời, tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu để tạo bước đệm trước những cú sốc sau này.

Trong đó, Vietcombank đã nâng bộ đệm dự phòng bao nợ xấu lên mức cao kỷ lục là 424%. Dư nợ tín dụng năm 2021 của ngân hàng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) ở mức 0,34%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 0,63%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng có quy mô lớn.

Tại VietinBank, kết thúc năm 2021, dư nợ tín dụng hợp nhất ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 171%, cao hơn so với năm 2020.

Đáng chú ý, việc tập trung vào chiến lược "Khách hàng là trung tâm", cung cấp giải pháp dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện cho khách hàng đã mang lại cho VietinBank nguồn thu ngoài lãi tăng 20%, nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Tỷ trọng tiền gửi CASA/tổng nguồn vốn năm 2021 đạt 20%.

BIDV cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 235% tại thời điểm kết thúc năm 2021 và là mức cao nhất trong các năm gần đây. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác lại có mức tăng trưởng lợi nhuận "bứt phá" như: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020, vượt hơn 4% so với kế hoạch hay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với lợi nhuận ước đạt 5.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, các ngân hàng vẫn kinh doanh khấm khá bất chấp dịch COVID-19 là nhờ nhu cầu tín dụng đã tăng trở lại trong quý cuối năm, cùng với đó là tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng tăng cao giúp giảm chi phí vốn, tăng hiệu quả cho vay. Mặt khác, thay vì trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp, cải thiện khả năng sinh lời.

Không chỉ TPBank hay MSB, trong bảng dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2021 mới công bố của Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều ngân hàng cũng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được dự báo lãi trước thuế năm 2021 đạt mốc 23.000 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh ở mức 22%.

Với Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 19% khi kết thúc năm 2021, thúc đẩy lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 do đó, sẽ ở mức 38-39% so với năm 2020.

Nhu cầu vay tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội, nhất là trong quý cuối năm khiến SSI Research kỳ vọng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng trưởng cao, sử dụng hết hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp. Lợi nhuận năm 2021 của Sacombank theo đó dự kiến đạt 4.200-4.400 tỷ đồng, tăng 27-32% so với cùng kỳ; lợi nhuận của MB ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2020...

Năm 2022, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB...

"Các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước ước tính tăng trưởng lợi nhuận ở mức 19%, trong khi các ngân hàng TMCP khác có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn và chỉ thật sự bứt phá mạnh hơn từ quý II với VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý III với các ngân hàng khác", SSI Research nhận định.

Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý I/2022 của các tổ chức tín dụng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều lạc quan với tình hình kinh doanh quý I/2022 và cả năm. Theo đó, 49,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý đầu năm nay sẽ tăng trưởng so với quý IV/2021.

Dự báo cả năm 2022, có 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm. Các tổ chức tín dụng dự báo, tín dụng sẽ tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục