Lợi nhuận ròng các công ty niêm yết của Nhật Bản tăng

21:45' - 10/08/2024
BNEWS Lợi nhuận ròng gộp của các công ty niêm yết của Nhật Bản đã tăng 10% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu tổng hợp của Nikkei cho thấy lợi nhuận ròng gộp của các công ty niêm yết của Nhật Bản đã tăng 10% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu cao về trí tuệ nhân tạo (AI) và đồng yen yếu.

 

Phân tích của Nikkei dựa trên báo cáo tài chính từ 1.044 công ty niêm yết đã công bố kết quả tính đến ngày 9/8 - tương đương với 96% các công ty trên thị trường chứng khoán cao cấp Prime có năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, không bao gồm một số công ty con có công ty mẹ cũng được niêm yết.

Lợi nhuận ròng chung tăng 10% so với cùng kỳ năm trước lên 14.000 tỷ yen (95,6 tỷ USD), cao hơn mức tăng 9% trong quý I/2024. Lợi nhuận ròng của các công ty sản xuất tăng 7% lên 6.600 tỷ yen, trong khi lợi nhuận ròng của các công ty phi sản xuất tăng 13% lên 7.400 tỷ yen.

Thu nhập của các công ty được hỗ trợ bởi đồng yen yếu. Tỷ giá hối đoái trung bình trong quý II/2024 ở mức khoảng 156 yen đổi 1 USD, yếu hơn khoảng 20 yen so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận ròng của Toyota Motor tăng 2%, trong đó đồng yen yếu giúp lợi nhuận hoạt động tăng 370 tỷ yen, bù đắp cho việc tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe do bê bối chứng nhận an toàn xe.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến AI cũng tạo động lực cho các công ty niêm yết.

Việc kinh doanh mạng lưới phân phối và truyền tải điện của Hitachi hoạt động tốt nhờ việc mở rộng các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều điện năng sử dụng trong việc phát triển AI tạo sinh. Hoạt động kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin của công ty sử dụng AI tạo sinh cũng tăng trưởng, giúp tăng tổng lợi nhuận ròng của công ty gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chất bán dẫn Advantest có lợi nhuận ròng tăng gấp 2,6 lần nhờ sự gia tăng trong các lô hàng thiết bị thử nghiệm cho chip AI tạo sinh.

Tuy nhiên, kết quả quý này cũng nêu bật những yếu tố kìm hãm tăng trưởng của một số công ty, trong đó có những khó khăn ở thị trường Trung Quốc và Mỹ. Nhu cầu không tăng ở Trung Quốc, nơi thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái.

Thiết bị tự động hóa nhà máy của Omron không bán chạy khiến công ty lỗ trong quý II/2024, lần thua lỗ đầu tiên sau 15 năm. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Nissan Motor giảm 73% khi doanh số bán ô tô tại Mỹ giảm 3%.

Một yếu tố khác là tình trạng thiếu hụt lao động. Yamato Holdings, công ty điều hành dịch vụ giao hàng trọn gói và các doanh nghiệp khác đã chứng kiến khoản lỗ ròng tăng lên.

Với tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải do Chính phủ Nhật Bản áp dụng mức giới hạn giờ làm thêm mới vào đầu năm nay, công ty đã phải chịu khoản chi phí tăng, chẳng hạn như máy bay vận tải mới và các nỗ lực cải thiện hiệu quả trong mạng lưới hậu cần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục