Lợn rớt giá, người chăn nuôi “treo chuồng”

17:45' - 11/05/2017
BNEWS Hiện nay, tổng số lượng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trên 328.000 con (tăng 1,10% so với năm trước); trong đó, đàn lợn nái trên 48.000 con, lợn thịt trên 280.000 con.

Do thị trường tiêu thụ khó khăn đã đẩy hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa tỉnh Kiên Giang lỗ vốn và phải “treo chuồng”.

Lợn rớt giá, người chăn nuôi “treo chuồng”. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Những năm gần đây, khi mà điều kiện chăn nuôi của người dân thuận lợi, nguồn thức ăn công nghiệp dồi dào và được ngành thú y quan tâm nên đàn lợn của Kiên Giang tăng mạnh; trong đó, tăng nhiều nhất là huyện Giồng Riềng với 89.800 con, Tân Hiệp 65.500 con, Gò Quao gần 50.000 con.

Với cách nuôi tiên tiến như hiện nay và thời gian thả nuôi từ 4-6 tháng, người nuôi có thể xuất chuồng bán. Chính vì vậy, lượng lợn tăng mạnh, trong khi đó thị trường nội địa không tiêu thụ hết, còn xuất khẩu lại khó khăn đã khiến giá lợn hơi sụt giảm mạnh.

Theo ông Đỗ Hữu Lâm, người nuôi lợn trên 20 năm ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, trước đây giá lợn hơi có sụt giảm nhưng vẫn ở mức người nuôi có lời chút ít. Thế nhưng gần một năm nay, giá lợn hơi luôn tụt xuống dốc, từ 4,2 triệu đồng giảm còn 2,3 triệu đồng/100 kg. Đã vậy lợn rất khó tiêu thụ do bị thương lái chê đủ mọi lý do.

Hiện nay, lợn con thì bán không ai mua, lợn thịt giá xuống thấp nên bán ra không bù lỗ tiền thức ăn. Trong chuồng ông Lâm hiện còn trên 60 lợn con, nhưng nuôi thì lỗ, cho người ta không nhận vì họ cho rằng nuôi đầu tư vốn vào khi bán ra lỗ, giờ không biết tính sao với số lợn con này, chẳng lẽ phải vứt bỏ.

Ông Lâm giờ chỉ biết nhờ các ngành, các cấp quan tâm đến người nuôi lợn để vực vậy chứ không còn cách nào tốt hơn.

Với gía lợn hơi giảm sâu giá bán dao động từ 2,7 – 2,8 triệu/100 kg đầu năm thì nay còn 2,3 – 2,4 triệu đồng/100 kg. Theo tính toán của người nuôi lợn, trung bình lỗ từ 700.000 – 800.000 đồng/100 kg, chưa kể thị trường thu mua ngày khó khăn hơn.

Đối với lợn thịt là vậy, những hộ nuôi lợn nái cũng không hơn không kém. Giá lợn giống đã giảm 50%, lại khó tiêu thụ do người chăn nuôi “treo chuồng” không tiếp tục tái đàn. Theo tính toán giá thị trường và giá lợn giảm mạnh, mỗi con lợn nái nuôi lỗ 2 triệu đồng.

Bà Nguyễn Mỹ Trinh, người nuôi lợn ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng cho biết, giá lợn trước đây thấp cũng ở giá 4 - 4,5 triệu đồng/100 kg người nuôi có lãi, giờ xuống thấp quá người chăn nuôi lợn lỗ vốn. Từ lợn nhà đẻ ra nuôi còn lỗ từ 500 – 600 đồng/100 kg, nếu mua lợn con nuôi thì phải lỗ gần 1 triệu đồng/100 kg.

Theo bà Trinh, giờ người nuôi lợn chỉ trông chờ vào Nhà nước sớm giúp người chăn nuôi ổn định lại giá, để tiếp tục chăn nuôi, bù lại số tiền đã lỗ vốn, nếu tình trạng kéo dài thì người dân chỉ còn cách “treo chuồng”.

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 40% số hộ chăn nuôi lợn sẽ không tiếp tục tái đàn. Một nghịch lý của giá lợn thịt hiện nay là giá lợn hơi sụt giảm mạnh, trong khi đó giá lợn bán ở các sạp vẫn ổn định ở mức cao.

Ông Vũ Đình Tuy, ngụ xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp cho biết, giờ tiếp tục nuôi thì lỗ, do vậy giá rẻ cũng phải bán chứ tình trạng như hiện nay không còn cách nào tốt hơn. Do vậy, kiến nghị đến Nhà nước hỗ trợ một phần tiền hoặc con giống cho người nuôi lợn, để người nuôi giữ đàn, “chống” lại cơn sụt giảm giá như hiện nay.

Hiện nay, gia đình ông Tuy và một số người hàng xóm chăn nuôi lợn phải làm thịt để chia nhau về ăn. Vài hôm sau tới hộ khác làm thịt rồi “trả” lại chứ nếu bán ra lợn hơi thì lỗ, mua thịt về ăn thì giá cao.

Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, lộ trình từ nay đến năm 2020 Kiên Giang sẽ tăng giá trị sản xuất trong chăn nuôi đạt 9,5%/năm và cơ cấu giá trị sản xuất từ chăn nuôi đạt 15,3% trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục