Long An chuyển đổi 8.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác

09:05' - 02/05/2022
BNEWS Các diện tích được chuyển đổi chủ yếu là đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp, tập trung chủ yếu ở các huyện như Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ, Tân Trụ…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, từ đây đến cuối năm 2022, dự kiến sẽ có khoảng 8.500 ha diện tích đất trồng lúa sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; trong đó, chuyển từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm gần 6.800 ha và chuyển sang trồng cây lâu năm hơn 1.700 ha.

 

Các diện tích được chuyển đổi chủ yếu là đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp, tập trung chủ yếu ở các huyện như Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ, Tân Trụ…

Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An lưu ý các địa phương cần quan tâm thực hiện các giải pháp cụ thể;

Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất…; từ đó, mang lại hiệu quả cao, góp phát triển bền vững cho người nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, toàn tỉnh có khoảng 2.100 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022 và cây lâu trong năm 2021; trong đó, cây hàng năm chủ yếu là dưa hấu, mè, khoai mỡ… và cây lâu năm chủ yếu là mít, chanh, ổi,...

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi sang các loại cây trồng chanh, mít, ổi,… Phần lớn các loại cây trồng được chuyển đổi đều mang lại hiệu quả cho người nông dân, lợi nhuận thu được từ  8 - 40 triệu đồng/ha/năm, tùy mô hình và thời điểm bán nông sản.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện vẫn còn thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm; việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây chanh, sầu riêng, mít,... khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ.

Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Các địa phương trong tỉnh cũng chưa hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục