Lớp học tiếng Anh đặc biệt trên bè cá ở Cồn Sơn

15:44' - 02/09/2020
BNEWS Tranh thủ thời gian tạm ngưng nhận khách du lịch vì dịch COVID-19, một lớp học tiếng Anh đặc biệt được tổ chức ngay trên bè cá tại Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Học viên chính là những nông dân tham gia làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn nhiều năm nay, người nhỏ nhất 8 tuổi và người lớn tuổi nhất đã ngoài 60.

Đã hai tuần nay, đúng 15 giờ ngày thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, chiếc bè cá trên sông Hậu của ông Lý Văn Bon (tên thường gọi Bảy Bon) lại vang lên âm thanh của của hơn 30 học viên đang tham gia lớp học tiếng Anh giao tiếp.

Giọng trung niên có, giọng trẻ em có. Tất cả đều hăng say tập phát âm theo những mẫu câu giao tiếp đơn giản mà giáo viên hướng dẫn.

Học viên của lớp là các thành viên thuộc Câu lạc bộ Liên thế hệ du lịch cộng đồng Cồn Sơn, khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Cần Thơ. Năm năm trước, Cồn Sơn nổi lên nhờ sự phát triển du lịch cộng đồng.

Mỗi năm đón hàng chục nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng sông nước miền Tây.

Tuy nhiên, ngoài một số hướng dẫn viên trẻ, người dân làm du lịch ở đây đa số không biết tiếng Anh để giao tiếp với du khách nước ngoài.

Từ thực tế đó, anh Lê Đình Tuyển – một nhà báo ở Cần Thơ đã nảy ra ý tưởng mở một lớp tiếng Anh cộng đồng để hỗ trợ người dân Cồn Sơn học một số vốn tiếng Anh gần gũi nhất có thể để bà con cải thiện khả năng giao tiếp với du khách quốc tế.

Ý tưởng của anh Tuyển đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Trung tâm ngoại ngữ Huyền Lê (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).

Trung tâm này cử hàng chục thầy cô đến dạy miễn phí, một nam giáo viên người Australia cũng tình nguyện tham gia dạy tiếng Anh cho người dân nơi đây.

Lớp có khoảng 30 người dân Cồn Sơn theo học, đủ độ tuổi khác nhau, người lớn tuổi nhất đã 60 tuổi, người nhỏ tuổi nhất 8 tuổi.

Theo ông Bảy Bon - người cho mượn bè cá làm nơi tổ chức lớp học, số lượng người dân tham gia học có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, lớp sẽ học 2 buổi/tuần (chiều thứ 3 và chiều thứ 5), các giáo viên sẽ dạy tiếng Anh căn bản để người dân có thể giao tiếp cũng như giới thiệu được về Cồn Sơn với người nước ngoài.

"Chúng tôi muốn học tiếng Anh để có thể giới thiệu cho khách ngoại quốc đến tham quan với những từ ngữ đơn giản như về ngôi nhà, khu vườn, sông rạch và các vấn đề khác ở Cồn Sơn. Riêng tôi học để giới thiệu cho khách nước ngoài bằng tiếng Anh về bè cá, đặc điểm sinh sống của cá, cách chăm sóc", ông Bon chia sẻ.

Lớp học không có giáo trình chuẩn mà nội dung giảng dạy chú trọng vào các câu giao tiếp thông dụng giữa người dân với khách nước ngoài và các chủ đề liên quan đến du lịch, văn hóa, con người và vùng đất Cồn Sơn.

Dù phát âm còn chưa chuẩn theo hướng dẫn của giáo viên nhưng có thể thấy rõ sự nỗ lực, quyết tâm trên gương mặt mỗi người dân nơi đây để làm quen với ngôn ngữ mới.

Chị Bùi Thúy Liễu, người dân ở Cồn Sơn cho biết: "Khi biết tin lớp tiếng Anh được mở, mọi người rất vui. Mình làm du lịch nếu biết tiếng Anh sẽ rất tốt. Khi có khách nước ngoài tới thì có thể nói chuyện với khách mà không cần có phiên dịch. Tôi nghĩ việc mình có thể trực tiếp chia sẻ với khách sẽ giúp họ cảm nhận được tình cảm cũng như sự hiếu khách ở đây”.

Chị Út Hiền, một người dân Cồn Sơn cũng là hướng dẫn viên bản địa tham gia lớp học bày tỏ: “Cồn Sơn rộng khoảng 70 ha, có trên một trăm hộ dân đang sinh sống. Ở đây không có tiếng xe máy, nhà này cách nhà kia khá xa. Nhà nào cũng có vườn cây, ao cá… Nhiều lần du khách nước ngoài đến tôi cũng muốn giới thiệu với họ như vậy bằng một số câu tiếng Anh, nhưng bao năm rồi vẫn không nói được. Bây giờ có lớp học rồi, kết thúc khóa học tôi sẽ giới thiệu được với du khách nước ngoài về cuộc sống giản dị của tôi cũng như bà con nơi đây”.

Ngoài thời gian học trên lớp với các giáo viên, việc tự học ở nhà cũng được người dân Cồn Sơn ý thức thực hiện.

Các em nhỏ ngoài là học viên còn có nhiệm vụ là hỗ trợ người lớn tuổi ôn lại các kiến thức đã học, sẵn sàng để đón khách quốc tế khi dịch COVID-19 qua đi. 

“Học trò” đi học ngoài việc mang theo sách, vở, bút viết thì còn mang cả buồng chuối, mớ rau nhà mình trồng để giới thiệu, học cách phát âm và cũng là quà tặng cho thầy cô giáo.

Theo chị Phan Thị Kim Phước, chủ nhà vườn Song Khánh ở Cồn Sơn, từ trước đến nay, khi có khách người nước ngoài đến thì chị cũng chỉ có thể nói tiếng Việt rồi nhờ các bạn hướng dẫn viên dịch ra tiếng Anh.

Có lớp học này, chị sẽ cố gắng học để tương lai có thể tự mình thuyết minh cho khách nước ngoài hiểu thêm về đời sống của cư dân trên cồn.

Anh Tạ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Huyền Lê cho biết, tuy gặp khó khăn do học viên gồm nhiều độ tuổi và công việc cũng bận rộn nhưng bù lại tinh thần học tập của người dân rất hăng say.

"Với sự nhiệt tình, ham học của người dân cùng với quyết tâm học ngoại ngữ thì chúng tôi tin rằng sau một thời gian ngắn, người dân Cồn Sơn sẽ giao tiếp tốt phần tiếng Anh”, thầy Khôi nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục