Luật Thủy sản 2017 sắp có hiệu lực - Bài 2: Nâng cao hiệu quả khai thác biển

13:27' - 22/12/2018
BNEWS Vươn khơi không chỉ cho năng suất đánh bắt cao hơn mà còn góp phần tăng cường tính bền vững cho nghề khai thác thuỷ sản.
Vươn khơi không chỉ cho năng suất đánh bắt cao hơn mà còn góp phần tăng cường tính bền vững cho nghề khai thác thuỷ sản. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thuỷ sản của Việt Nam, Cà Mau là một trong nhiều địa phương đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm khắc phục "thẻ vàng" IUU cũng như nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển.

*Tiên phong lắp đặt giám sát hành trình

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã dốc toàn lực chỉ đạo, triển khai các kế hoạch nhằm tăng cường quản lý, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, lộ trình lắp đặt thiết bị cho tàu cá có chiều dài trên 15m được chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 hoàn thành trước ngày 1/11/2018 và giai đoạn 2 hoàn thành vào tháng 12/2018. Những tàu không lắp đặt thiết bị theo quy định, sẽ không được ra khơi đánh bắt thủy sản.

Ông Lê Văn Thiệt, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho rằng, tình hình khai thác, đánh bắt trong tình hình hiện nay không thể cứ dựa vào việc đánh bắt gần bờ mà không vươn khơi.

Vươn khơi không chỉ cho năng suất đánh bắt cao hơn mà còn góp phần tăng cường tính bền vững cho nghề khai thác thuỷ sản. Thế nên, việc lắp thiết bị giám sát hành trình để truy xuất nguồn gốc thuỷ sản là việc làm rất cần thiết.

“Tính năng của thiết bị giám sát sẽ giúp quản lý được hành trình đánh bắt thủy sản của từng tàu cá, xác định được vị trí, tốc độ từng tàu cá trên biển. Có chức năng cảnh báo cho chủ tàu, thuyền trưởng, tình trạng tàu sắp vượt hoặc đã vượt hải phận của Việt Nam để kịp thời điều chỉnh quay về hải phận hợp pháp. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng điều hành, thông báo cho các tàu đang hoạt động trên biển hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, kêu gọi tàu tránh bão khi gặp thời tiết xấu…” ông Thiệt cho hay.

Nắm được các tính năng cũng như lợi ích của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, nên ông Nguyễn Văn Phỉnh (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) đã đăng ký từ hơn 1 tháng nay, chỉ còn chờ khoảng 1 tuần nữa là có thể lắp hoạt động.

Ông Phỉnh chia sẻ: “Thiết bị tôi lắp tốn trên 45 triệu đồng, nhưng vì lợi ích của nó mang lại cho mình nên mình chọn. Thiết bị đó vừa có tính năng quản lý tàu cá, vừa có tính năng gọi điện được. Dù chi phí cao nhưng tàu mình là tàu đóng theo Nghị định nên phải cố gắng để phục vụ cho mình và vì sự an toàn của anh em tham gia đánh bắt trên tàu, trang bị để liên hệ ra vô ổn định”.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau thông tin, tính đến thời điểm này, tỉnh đã lắp được cho khoảng 100 tàu cá thuộc trường hợp bắt buộc lắp.

Về kinh phí, theo ông Sĩ một số chủ tàu còn khó khăn khi mua thiết bị này, một số tàu hoạt động khu vực ven bờ, khả năng khai thác vùng biển nước ngoài ít, nhưng buộc phải lắp đặt thiệt bị theo quy định mới về chiều dài tàu cũng gây một số khó khăn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, lắp đặt thiết bị giám sát là điều kiện “cần” trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là giải pháp cấp bách nhằm thoát khỏi việc EU cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Nhưng khó khăn nhất hiện nay là với những hộ đánh bắt gần bờ hoặc làm nghề đóng đáy hàng khơi, hàng cạn.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho hay, gia đình ông đã làm nghề đáy hàng khơi hơn 20 năm nay.

Ông có 3 tàu cá, trong đó 2 tàu có chiều dài hơn 15m và cả 3 tàu đều có công suất trên 90CV.

Ngoài việc thiết bị giám sát có giá cao thì chức năng tàu cá của ông Hiếu chủ yếu là chuyên chở và không vươn khơi đánh bắt, nên ông vẫn còn đang kiến nghị, xem xét lại.

*Đồng tình mức phạt cao trong luật mới

Khi Luật Thuỷ sản năm 2017 áp dụng vào ngày 1/1/2019 tới đây, bên cạnh việc yêu cầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá từ 15m trở lên thì mức phạt đối với hành vi khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài cũng được tăng cao.

Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng, tổ chức lên đến 2 tỷ đồng, cũng được người dân rất quan tâm.

Gia đình ông Lê Văn Dúng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đã có gần 20 năm theo nghề biển, hiện gia đình có một tàu cá có công suất trên 90 CV. “Mức phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân khi khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài tuy rất cao, nhưng theo tôi là dân cũng sẽ đồng tình. Trong quá trình khai thác thủy sản mình lưu ý không vi phạm, khai thác trong khu vực được cho phép thì không có gì phải lo”, ông Lê Văn Dúng chia sẻ.

Theo quan điểm của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, mức phạt tăng như quy định mới sẽ có sức răn đe cao hơn.

Thực tế đã chứng minh mức phạt đối với hành vi trên trong thời gian qua đã tỏ ra không hiệu quả và quan trọng nhất chính là tuyên truyền cho người dân hiểu.

Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, việc thanh tra chuyên ngành thủy sản để quản lý hoạt động của các tàu cá đối với các khu vực vùng khơi thì điều kiện về tàu, con người và chế độ chính sách chưa đáp ứng được. Hiện tại tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan cảnh sát biển, hải quân và các lực lượng khác hỗ trợ cho các địa phương để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các địa phương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định.

Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể về quy hoạch vùng đánh bắt; trong đó, có xác định trữ lượng, sản lượng khai thác, đồng thời, quy hoạch ngành nghề đánh bắt theo hướng thân thiện với môi trường.

Cùng đó, có kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; tập huấn khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng và quản lý chất lượng sau đánh bắt…

Ông Đỗ Chí Sĩ cho biết, hiện nay, Cà Mau là địa phương tiên phong trong triển khai việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Chủ trương đó được nhiều ngư dân đồng thuận cao, tuy nhiên, cũng có một số hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cùng các doanh nghiệp tích hợp các phần mềm riêng của họ thành một phần mềm chung để dễ dàng quản lý, giám sát tàu cá.

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đến năm 2020 sẽ nâng cao hiệu quả ngành nghề khai thác biển. Mục tiêu là giảm tàu có công suất dưới 20 CV từ 29% xuống khoảng 11%.

Đồng thời, tăng dần loại tàu có công suất từ trên 20 CV đến 90 CV từ 37% lên 40% và tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên từ 34% đến 49%.

Dự kiến, đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt 160.000 tấn, trong đó, có 10.000 tấn tôm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục