Giải quyết đầu ra ổn định cho sản xuất lúa gạo hàng hóa

09:35' - 21/12/2018
BNEWS Nhờ thực hiện nhiều giải pháp tích cực trong sản xuất, xây dựng, nhân rộng những mô hình thâm canh tiên tiến và thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang đã có những vụ mùa bội thu trong năm 2018.
Nông dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) thu hoạch lúa trong vụ tôm - lúa 2018. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, qua các vụ sản xuất liên tiếp trong năm, địa phương đã gieo trồng được trên 201.000 ha, vượt chỉ tiêu cả năm đề ra, đã thu hoạch đạt năng suất bình quân 61,69 tạ/ ha và sản lượng trên 1,242 triệu tấn lúa, vượt gần 4% chỉ tiêu đề ra. Tỉnh cũng đã xuất khẩu được trên 226.000 tấn gạo, tăng 23,5% so với năm trước và thu về trên 120 triệu USD.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, tạo tiên đề giành những vụ bội thu, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt cho tưng vụ sản xuất. Đồng thời, có giải pháp đảm bảo nguồn nước tưới tiêu chủ động phòng chống hạn mặn cho vụ Đông Xuân và Hè Thu ở các huyện, thị phía Đông và phòng chống lũ lụt gây hại cho trà lúa Hè Thu ở các huyện, thị phía Tây.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường chuyền giao kỹ thuật thâm canh, đầy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất vừa giảm chi phí vừa khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân công trong nông nghiệp. Cùng đó, khuyến khích hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác gắn kết doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa, tạo nguồn lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao,…

Nông dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) thu hoạch lúa trong vụ tôm - lúa 2018. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm nhằm nâng cao trình độ canh tác của người nông dân theo hướng đưa công nghệ hiện đại, phù hợp lộ trình công nghệ 4.0 mà tỉnh đã xác định để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi mạnh mẽ.

Cụ thể, tỉnh triển khai 307 mô hình trình diễn “1 phải 5 giảm”, xây dựng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa trên qui mô 60 ha ở thị xã Cai Lậy. Cùng đó, mở 286 lớp huấn luyện nông dân và xây dựng hàng chục mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất trong dự án VnSAT. Triển khai dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020, định hướng 2025” tại huyện Gò Công Đông,… Qua đó, thay đổi tập quán, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân, giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận từ cây lúa.

Theo ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, khảo sát của ngành chức năng cho thấy, trong năm giá thành sản xuất lúa bình quân 4.045 đồng/kg, thấp hơn 89 đồng/kg so với năm trước, trong khi giá lúa hàng hóa đạt trung bình cả năm 7.074 đồng/kg, cao hơn năm trước 652 đồng/kg. Nhờ vậy, nông dân thu lợi nhuận bình quân 18,4 triệu đồng/ ha/vụ, tăng hơn năm trước 4,72 triệu đồng/ ha/vụ.

Ngoài ra, qua triển khai chủ trương liên kết xây dựng cánh đồng lớn về sản xuất lúa, tỉnh có 20 đơn vị doanh nghiệp và thương nhân tham gia đầu tư liên kết cánh đồng lớn trên tổng diện tích trên 8.400 ha, tăng gần gấp đôi so với năm trước đã mở ra triển vọng mới trong việc liên kết chặt chẽ giữa các đối tác với nông dân, đảm bảo đầu ra ổn định và bà con an tâm đẩy mạnh sản xuất lúa gạo hàng hóa./.

Xem thêm:

>>Cà phê tụt giá, người trồng thấp thỏm lo âu

>>Khoai lang giảm giá, nông dân Hòn Đất thua lỗ nặng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục