“Lực cản” chờ đợi VATM vượt qua

10:06' - 15/02/2021
BNEWS Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Doanh thu của đơn vị này đến chủ yếu từ hoạt động cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Cũng như các doanh nghiệp hàng không khác, VATM đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi hoạt động hàng không trong nước và quốc tế bị hạn chế để phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc VATM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động khai thác của các hãng hàng không sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến sản lượng điều hành bay và doanh thu điều hành bay của Tổng công ty cũng bị sụt giảm rất lớn. 

Cụ thể, sản lượng điều hành bay năm 2020 chỉ đạt 423.399 lần chuyến, bằng 43,5% so với thực hiện năm 2019; tổng doanh thu 1.902 tỷ đồng, bằng 44,3%; nộp ngân sách Nhà nước 870 tỷ đồng, bằng 25,17% so với năm 2019.

Lý giải chi tiết về kết quả trên, Tổng giám đốc Đoàn Hữu Gia cho hay, sản lượng điều hành bay của VATM có mối liên hệ và phụ thuộc trực tiếp vào tình hình hoạt động của các hãng hàng không. 

Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và các chính sách hạn chế giao thông hàng không của Chính phủ các nước, sản lượng khai thác của các hãng hàng không toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng điều hành bay đi, đến và điều hành bay quá cảnh của Tổng công ty. 

Khả năng thanh khoản của Tổng công ty ngày càng khó khăn do dòng tiền từ doanh thu cung cấp dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, chỉ tiêu doanh thu của VATM tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay cho VATM.

Hiện đã có một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay.

Một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán được. Điều này gây khó khăn thêm cho hoạt động của VATM.

“Trong năm vừa qua, VATM đã nhiều lần phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh khi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải áp dụng chính sách giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. 

Cùng với đó, Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp cắt giảm, giãn tiến độ thực hiện các khoản chi, bố trí lại thời gian làm việc của người lao động cho phù hợp với mật độ và lưu lượng bay, đảm bảo tuân thủ yêu cầu “giãn cách xã hội” theo chỉ đạo, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động hướng tới cân đối chi phí”, ông Đoàn Hữu Gia cho biết.

Tuy nhiên, ông Đoàn Hữa Gia cho rằng, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa giảm thiểu tác động của dịch bệnh, phòng ngừa mọi nguy cơ lây nhiễm từ yếu tố bên ngoài đến các lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, thông suốt. 

Đồng thời, Tổng công ty thực hiện các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống của người lao động. Với nỗ lực và sự đoàn kết thống nhất của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tổng công ty, VATM đã vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đảm bảo điều hành bay an toàn trong vùng trời trách nhiệm.

Trong khó khăn, VATM vẫn đảm bảo nhiệm vụ “cốt lõi” là điều hành bay an toàn, đây vừa thể hiện nỗ lực vừa là bản lĩnh của Tổng công ty. 

Song song với đó, VATM cũng không “lơ là” nhiệm vụ trọng tâm khác là tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại Tổng công ty; tổ chức và phát triển nguồn nhân lực theo đúng quy định và có hiệu quả; chú trọng và tăng cường đào tạo - huấn luyện.  

Đồng thời, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành hàng không, giữ vững các quan hệ hợp tác quốc tế trong khu vực.

Nhận định về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, Tổng giám đốc Đoàn Hữu Gia cho rằng, với dự báo thị trường hàng không trong nước và quốc tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, kéo theo tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sẽ vẫn tiếp tục khó khăn.

 Để vượt qua thách thức này, Tổng công ty cần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tổng công ty cũng sẵn sàng các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng.

Đặc biệt, Tổng công ty luôn chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả.

Một trong những giải pháp để duy trì sản xuất kinh doanh, mới đây, VATM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đối với các chuyến bay quốc nội vì sợ mất cân đối tài chính.

Cụ thể, tại văn bản số 722/VATM, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét không tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đối với các chuyến bay quốc nội. Đồng thời, tiếp tục giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay cho VATM trong năm 2021. 

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM lý giải, đề xuất trên là để Tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ công ích bảo đảm hoạt động bay được nhà nước giao và bảo toàn vốn nhà nước tại đơn vị.

Lãnh đạo VATM khẳng định, việc giảm giá trên cùng với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ việc cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty mất cân đối thu chi trong năm 2020 là 141 tỷ đồng. 

Đến thời điểm hiện tại, Nhà nước vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ngoài chính sách giảm 10% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay trong năm 2020 (tương ứng khoảng 6 tỷ đồng). 

Năm 2021, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn do hoạt động bay của thị trường hàng không trong nước và quốc tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Dự kiến sản lượng điều hành bay và doanh thu năm 2021 chỉ đạt khoảng 97% so với ước thực hiện năm 2020.

Lãnh đạo VATM đánh giá, với doanh thu trên, Tổng công ty chỉ có thể cân đối được các hoạt động thường xuyên ở mức tối thiểu đủ để duy trì các hoạt động thiết yếu liên quan đến hoạt động công ích và đảm bảo cho quỹ tiền lương chi trả cho người lao động ở mức tiền lương cơ bản của Tổng công ty (sụt giảm gần 60% so với năm 2019). 

“Như vậy, trường hợp tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá 50% đối với các chuyến điều hành bay đi, đến quốc nội trong năm 2021 (tương ứng giảm hơn 300 tỷ đồng doanh thu), Tổng công ty sẽ mất cân đối thu chi trầm trọng với dự kiến lỗ 410 tỷ đồng. 

Việc mất cân đối thu chi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động công ích bảo đảm hoạt động bay, việc bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty và thu nhập của người lao động”, lãnh đạo VATM tính toán.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, để vượt qua khó khăn, lực cản của năm 2021, Tổng công ty cần đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để có những bước đi vững chắc trong năm nay. 

Đặc biệt, Tổng công ty cần tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư các công trình trọng điểm, các hệ thống, thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ điều hành bay an toàn, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Cùng với đó, Tổng công ty phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục