Lực lượng hoa tiêu: An toàn cho những chuyến tàu

17:34' - 26/01/2018
BNEWS Năm 2017, tổng số lượt tàu do hoa tiêu dẫn dắt đã đạt trên 90.000 lượt tàu ra vào các cảng an toàn. Đây là mức tăng trưởng vượt dự báo.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công trao bằng khen cho các đơn vị hoa tiêu. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo ông Quách Đình Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam, trong năm 2018, với dự báo số lượt tàu sẽ tiếp tục tăng cao, Hiệp hội sẽ cùng với các công ty Hoa tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hoa tiêu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu hoa tiêu dẫn tàu an toàn vào các cảng biển.

Chủ tịch Quách Đình Hùng cho hay, trong năm 2017 tổng số lượt tàu do các công ty hoa tiêu phục vụ trên toàn quốc tăng trưởng mạnh bao gồm cả tàu nội địa và tàu quốc tế. Cụ thể, năm 2016, tổng số lượt tàu do các hoa tiêu dẫn dắt đạt khoảng 76.000 lượt tàu.

Tuy nhiên, năm 2017 tổng số lượt tàu do hoa tiêu dẫn dắt đã đạt trên 90.000 lượt tàu ra vào các cảng an toàn. Đây là con số vượt dự báo, bởi theo tính toán của Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam con số 90.000 lượt tàu phải vào năm 2020 mới đạt được.

Với sự tăng trưởng nhanh về số lượt tàu, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoa tiêu rất được chú trọng, không có tình trạng thiếu như lo ngại trước đó. Ông Quách Đình Hùng khẳng định, nhân sự hoa tiêu không thiếu mặc dù số lượt tàu tăng trưởng mạnh thời gian vừa qua. Nhờ đào tạo hoa tiêu theo hướng đa năng, một hoa tiêu có thể dẫn được tàu trên nhiều tuyến, nhiều luồng, vì vậy nếu khu vực nào thiếu có thể linh hoạt điều phối ngay.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ dẫn tàu hoa tiêu, Chủ tịch Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam chia sẻ, hoa tiêu hàng hải có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải cho tàu thuyền cũng như bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế biển.

“Trong tương lai gần, với sự phát triển của nền kinh tế, dự kiến lượt tàu ra vào các cảng sẽ ngày càng gia tăng, do đó các đơn vị hoa tiêu thành viên Hiệp hội cần phải xây dựng ngay kế hoạch bổ sung lực lượng hoa tiêu tại các đơn vị cũng như có kế hoạch huấn luyện đào tạo, huấn luyện lại để đảm bảo xây dựng lực lượng hoa tiêu Việt Nam sánh vai cùng các nước trong khu vực và hội nhập quốc tế”, ông Hùng đánh giá.

Tuy nhiên, để thu hút nhân lực hoa tiêu, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực phát triển bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Hoa tiêu Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu có chính sách hỗ trợ những tập sự hoa tiêu. Bởi thời gian huấn luyện đào tạo đối với một tập sự hoa tiêu rất dài từ 2-3 năm nhưng không được hỗ trợ kinh phí vì thuộc đối tượng học nghề.

Nếu tính từ thời điểm bắt đầu vào nghề đến khi trở thành hoa tiêu hàng hải ngoại hạng phải mất từ 11 đến 12 năm. Đây thực sự là một rào cản rất lớn để thu hút các sỹ quan, thuyền trưởng muốn về làm hoa tiêu hàng hải.

Là một đơn vị phụ trách địa bàn rộng gồm địa phận Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và các cảng biển trên sông Tiền (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Đồng Tháp, …), đại diện lãnh đạo Công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực I cho biết, năm 2017 hoa tiêu khu vực I đã lai dắt an toàn cho hơn 13.500 lượt tàu; trong đó lượt tàu nước ngoài chiếm 50,3%.

Công ty Hoa tiêu khu vực 1 trong năm 2017 đã dẫn dắt an toàn cho hơn 13.500 lượt tàu ra vào các cảng, trong đó số lượt tàu ngoại chiếm 50,3%. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ về đào tạo nguồn nhân lực, đại diện Công ty Hoa tiêu khu vực I cho hay, công việc này luôn được lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu. Hiện công ty đã gửi nhiều cán bộ hoa tiêu đi tập huấn ở nước ngoài, tham gia các khóa đào tạo lên hạng, đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho các hoa tiêu và nhân viên văn phòng, thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ của lực lượng hoa tiêu ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua số vụ tai nạn hàng hải đã có bước chuyển biến rõ rệt khi giảm về số vụ và số người thương vong, lượt tàu ra vào các cảng ngày càng tăng đã phản ánh niềm tin của thuyền trưởng và chủ tàu khi đưa tàu ra vào các cảng biển.

“Có được kết quả trên có một phần không nhỏ công sức của lực lượng hoa tiêu hàng hải. Các công ty hoa tiêu hàng hải thành viên của Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam đã làm tốt vai trò cung ứng dịch vụ an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế biển”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị lực lượng hoa tiêu hàng hải Việt Nam cần xem xét lại một số khía cạnh như công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực vì lực lượng hoa tiêu hàng hải hiện vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng, nguồn lực hoa tiêu vẫn chưa đồng đều và toàn diện.

Ngoài ra, với sự thay đổi về chế độ chính sách, pháp luật, người hoa tiêu cũng cần phải liên tục cập nhật và nắm bắt các quy định về pháp luật, an toàn hàng hải để có thể đảm đương tốt chức trách và nhiệm vụ của mình.

Đồng thời, Hiệp hội cần phát huy vai trò là hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, tham mưu với cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng cơ chế chính sách nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng bộ, phát huy tối đa vai trò và tiềm lực của hoa tiêu Việt Nam, góp phần phát triển ngành hàng hải Việt Nam trong phát triển kinh tế biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục