Lượng vốn đầu tư của Đức vào Mỹ tăng kỷ lục

11:51' - 27/02/2024
BNEWS Các công ty Đức đã cam kết các dự án đầu tư trị giá 15,7 tỷ USD vào Mỹ trong năm ngoái, tăng mạnh so với con số 5,9 tỷ USD của năm 2022, theo một phân tích của fDi Markets.
Lượng vốn đầu tư mà các công ty của Đức đổ vào Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023. Diễn biến này phần nào cho thấy sự lo ngại của khu vực tư nhân Đức về "thể trạng" của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Các công ty Đức đã cam kết các dự án đầu tư trị giá 15,7 tỷ USD vào Mỹ trong năm ngoái, tăng mạnh so với con số 5,9 tỷ USD của năm 2022, theo một phân tích của fDi Markets. Mỹ chiếm 15% tổng số vốn đầu tư cam kết của Đức trong năm 2023, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 6% trong năm 2022.

 
Có nhiều công ty lớn hưởng ứng xu hướng này. Tháng Ba năm ngoái, Volkswagen cho biết đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD và một nhà máy sản xuất cho thương hiệu Scout của hãng ở Nam Carolina. Mercedes-Benz cũng đã cam kết hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư cho một nhà máy pin của Mỹ ở Alabama trong năm 2022.

Sự gia tăng lượng vốn của Đức vào Mỹ này có thể là nhờ Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Đạo luật này cho các công ty nước ngoài được hưởng các khoản trợ cấp khổng lồ khi đầu tư vào Mỹ.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng phần nào thể hiện môi trường kinh tế tại Đức đang suy yếu. Đức bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả bởi căng thẳng Nga-Ukraine, khi xung đột này khiến Đức mất đi nguồn cung dầu khí giá rẻ từ Nga.

Kinh tế Đức đã giảm 0,3% trong năm 2023, sau khi trải quan nhiều giai đoạn đình trệ và suy thoái. Xuất khẩu tháng 12/2023 giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi nhập khẩu giảm hơn 12%, cho thấy nhu cầu đang suy yếu. Tâm lý tiêu dùng cũng trượt dốc, dù đã có dấu hiệu phục hồi phần nào vào cuối năm ngoái.

Nhưng dấu hiệu căng thẳng rõ ràng hơn cả trong các ngành sản xuất và xây dựng. Số liệu về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Đức cho thấy lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất đã giảm trong 22 tháng liên tiếp. PMI trong lĩnh vực xây dựng cũng cùng xu hướng, khi tình trạng dư thừa nguồn cung nhà đã kéo dài xu hướng sụt giảm đơn đặt hàng trong lĩnh vực này từ tháng 4/2022.

Trong khi đó, tại Mỹ, nhu cầu mở rộng của các công ty đa quốc gia Đức đang gia tăng. Số liệu từ fDi Markets cho thấy các công ty Đức đã công bố 185 dự án trong năm 2023, trong đó có 73 dự án thuộc lĩnh vực chế tạo.

Môt nghiên cứu năm ngoái của công ty kiểm toán Deloitte cho biết 2/3 các công ty Đức đã chuyển một phần hoạt động ra nước ngoài. Trong đó, dẫn đầu xu hướng này là lĩnh vực sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục