Lưu ý doanh nghiệp nắm vững quy định khi xuất khẩu sang EU và Bắc Âu

17:31' - 25/08/2023
BNEWS Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) sẽ tác động đến hoạt động giao thương, đồng thời mở ra khả năng mới cho hoạt động kinh doanh trong EU.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết, Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là chính sách mới dự kiến sẽ tác động đến hoạt động giao thương với khu vực, đồng thời mở ra khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

 
Có thể nói, đây là kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hoà về khí hậu; đồng thời cũng là chiến lược để phát triển. Do vậy, EU sẽ yêu cầu sản phẩm lưu thông trên thị trường phải bền vững, có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tiết kiệm năng lượng.

Cùng đó, thực phẩm bền vững phải đáp ứng định nghĩa chung, nguyên tắc chung, yêu cầu, chứng nhận và kế hoạch ghi nhãn. Các sửa đổi đang diễn ra và một khung pháp lý mới sẽ được đề xuất ngay trong năm 2023.

Là một trong những đối tác quan trọng của EU, Thỏa thuận Xanh châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.

Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam.

Thỏa thuận Xanh châu Âu, cụ thể là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu sản phẩm dệt may phải sản xuất bằng vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Hơn nữa, trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như doanh nghiệp sử dụng bao bì cho sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận Xanh đặt ra cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh đặt ra mục tiêu giảm sử dụng vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

Thỏa thuận Xanh đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Do đó, doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận Xanh sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu xu hướng mới để tạo ra sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường để được hưởng lợi trong dài hạn.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), là gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế.

Điều này đồng nghĩa sản phẩm được bán tại thị trường châu Âu (EU) cần đáp ứng tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Đáng lưu ý, thỏa thuận này có tác động vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu; trong đó, có Việt Nam.

Đặc biệt, tại Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, EU muốn giảm tổn thất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính bằng cách thúc đẩy nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm không ảnh hưởng đến nạn phá rừng.

Việc bán hàng hóa được sản xuất trên đất bị phá rừng và suy thoái sẽ bị cấm. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm cà phê, thịt bò, dầu cọ, đậu nành, ca cao và nhà sản xuất gỗ.

Tiếp đến là Cơ chế điều chỉnh carbon nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách áp thuế carbon đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa từ bên ngoài EU. Cơ chế này ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho phân bón, sắt, thép và năng lượng.

Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã biên soạn cuốn sách “Thỏa thuận chung châu Âu và tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu vào khu vực Bắc Âu” lưu ý doanh nghiệp kịp thời nắm bắt quy định, xu hướng thị trường để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ quy định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu.

Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, dù là thị trường xa nhưng chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang khu vực này cũng như chưa có hợp tác về cảng biển và cảng hàng không. Do vậy, đây là khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu đã tiến hành quảng bá sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 13-15/9 tới trên kênh thông tin và chủ động tìm kiếm, vận động các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia với kỳ vọng kết nối nhu cầu hàng hóa, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Thương vụ dự kiến tổ chức đoàn thu mua với hơn 10 doanh nghiệp Bắc Âu về tham dự sự kiện lần này. Ngoài ra, đối tác mua hàng tiềm năng như IKEA, H&M dự kiến sẽ cử đại diện mua hàng ở khu vực châu Á và ở Việt Nam tham dự sự kiện.

Cùng đó, mong muốn được gặp gỡ giao thương tại triển lãm với doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đã đạt chứng chỉ quốc tế ở ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ thể thao, đồ gia dụng và nội thất...

Thương vụ kỳ vọng thông qua chuỗi sự kiện doanh nghiệp Bắc Âu sẽ tìm thêm được nhiều nguồn hàng từ Việt Nam và có được thoả thuận thương mại cũng như ý tưởng kinh doanh mới gợi mở sau diễn đàn, hội thảo, tiếp xúc giao thương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục