Lý do châu Âu luôn đối mặt với khủng hoảng (Phần 2)

05:30' - 19/12/2018
BNEWS Dù EU thống nhất trước Brexit, nhưng viễn cảnh Anh rời bỏ EU đã là một phần nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của Liên đoàn Hanseatic mới.
Lý do châu Âu luôn đối mặt với khủng hoảng. Ảnh: AFP/TTXVN

Mất cân bằng cấu trúc lại càng trầm trọng hơn khi khủng hoảng Eurozone tạo ra sự dịch chuyển quyền lực chính trị trong nội bộ EU. Vị thế của Đức dưới góc độ là nhà cung cấp tín dụng chủ chốt cho các khoản vay dành cho những thành viên Eurozone đã giúp Berlin gia tăng ảnh hưởng trong EU. 

Trong nhiều năm, chính trị EU dường như là những vấn đề như: chờ đợi xem Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ làm gì? Liệu bà có đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone hay không? Bà có chào đón những người nhập cư và tị nạn hay sẽ đàm phán với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan để giữ số người này ở lại Thổ Nhĩ Kỳ?...

Hai nhân tố - tập chung quyền lực trong tay bà Merkel và xung đột cấu trúc trong liên minh đa tiền tệ của EU - đã tạo ra lực hích áp chót giúp cho những người ủng hộ chiến dịch rời khỏi EU giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Nỗ lực yểu mệnh của Thủ tướng Cameron về tái đàm phán vị trí của Anh trong EU trước chiến dịch trưng cầu bắt đầu đụng chạm đến chủ quyền của Anh khi vẫn là một phần của liên minh. 

Ông Cameron đặt cược hy vọng vào ảnh hưởng của bà Merkel. Nhưng EU đã không thể hội nhập các vấn đề nội bộ của Anh. Tất cả những gì Thủ tướng Anh đưa ra trước công chúng chỉ là màn thể hiện hoàn hảo về những hạn chế của quyền lực chính trị Anh trong liên minh.

Nhưng EU đã không thể đáp lại nguy cơ ly khai của Anh, bởi liên minh này, theo hoàn cảnh thực tế, không thể giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Âu; còn theo điều khoản hiến pháp cũng lại không thể cho phép Anh đặt ra giới hạn về những nguyên tắc nền tảng hiệp ước bảo đảm tự do đi lại cho tất cả các công dân EU. 

Dù EU thống nhất trước Brexit, nhưng viễn cảnh Anh rời bỏ EU đã là một phần nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của Liên đoàn Hanseatic mới, khi nó thúc đẩy các quốc gia từng liên minh với Anh về luật hóa thị trường chung chuyển sang một liên minh với hai quốc gia không phải là thành viên của Eurozone là Đan Mạch và Thụy Điển. 

Nhóm mới này chỉ tạo ra những khó khăn chính trị cho EU. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức vào năm 2017, điểm mấu chốt trong nền chính trị Eurozone chính là việc liệu Đức sẽ nhượng bộ ở mức nào để tái tạo lập trục đối tác đầu tàu Pháp-Đức. Giờ EU lại có thêm một nhân tố được tổ chức chặt chẽ, có quyền phủ quyết là Liên đoàn Hanseatic mới.

Một cách để Eurozone có thể chấm dứt các cuộc khủng hoảng mãn tính là lập ra một liên minh tài khóa có đủ khả năng đáp trả các diễn tiến chính trị dân chủ. Nhưng EU sẽ không có đủ hậu thuẫn của công chúng trong nội khối về việc phải hy sinh chủ quyền trong ngân sách quốc gia cũng như chia sẻ gánh nặng nợ nần mà một liên minh như vậy sẽ đưa ra. 

Rõ nhất, khủng hoảng Eurozone đã cho thấy EU hiện không đủ thực lực về mặt chính trị để tiến hành các thay đổi mà sẽ phải cần xem xét lại các hiệp ước của khối. Nhưng EU cũng không thể đi theo cách ngược lại - chuyển giao bớt quyền lực cho các chính phủ quốc gia để tái tạo lập thích ứng dân chủ tại chính những nước này. Muốn làm vậy, EU cũng sẽ phải có những thay đổi cơ bản về hiệp ước mà sẽ rất khó đạt được nếu không có đồng thuận chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục