Lý do khiến Ấn Độ từ bỏ RCEP

05:30' - 09/11/2019
BNEWS Về dư luận trong nước, báo chí Ấn Độ đưa tin các ngành công nghiệp, các thương nhân và nông dân Ấn Độ đã đánh giá cao quyết định của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi không tham gia hiệp định RCEP.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ đã chính thức thông báo không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vì “lợi ích quốc gia”. Quyết định này đã được quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur Singh thông báo ngày 4/11 trong một cuộc họp báo tại Bangkok, bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

New Delhi lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ gây hại cho thị trường Ấn Độ và nông sản Australia, New Zeland sẽ tác động tiêu cực tới nông dân nước này. Ngày 4/11 là ngày lãnh đạo 16 nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia RCEP họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan. Tuy nhiên, theo thông cáo chung, các nước tham gia RCEP thống nhất sẽ ký hiệp định vào năm 2020 kể cả khi Ấn Độ rút lui.

Ấn Độ không nằm trong số 10 nước thành viên chính thức của ASEAN, nhưng là một đối tác của tổ chức này, giống như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lý do Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP là New Delhi lo ngại rằng thị trường nước này sẽ tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, nhất là điện thoại di động.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có mặt tại Bangkok, đã tuyên bố ông muốn hiệp định tự do mậu dịch không chỉ liên quan đến hàng hóa gia công vốn là ưu thế của Trung Quốc, mà còn phải liên quan đến lĩnh vực dịch vụ. Ấn Độ hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Nhà cung cấp sữa hàng đầu của Ấn Độ Amul mô tả động thái này là một "dấu mốc". Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), ông Vikram Kirloskar cho biết CII đánh giá cao lập trường của Chính phủ Ấn Độ trong việc giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại trước khi gia nhập RCEP.

Ông khẳng định CII sẽ tiếp tục hỗ trợ và làm việc với chính phủ trong nỗ lực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại cùng có lợi.

Chủ tịch Liên đoàn các phòng công nghiệp và thương mại Ấn Độ (FICCI) Sandip Somany nhấn mạnh tổ chức này hoàn toàn ủng hộ quyết định của Thủ tướng về việc không gia nhập RCEP vì một số lo ngại của Ấn Độ và nhiều vấn đề khác nhau đến nay chưa được giải quyết trong thỏa thuận được đề xuất. 

Những tháng gần đây, một số lượng lớn các ngành bao gồm thép, nhựa, đồng, nhôm, máy công cụ, giấy, ô tô, hóa chất, hóa dầu và các ngành khác, đã bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng đối với RCEP. Hơn nữa, không có đủ những tiến triển tích cực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, bao gồm cả việc di chuyển dễ dàng hơn cho các chuyên gia và nhà cung cấp dịch vụ của Ấn Độ.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị cấp cao RCEP hôm 4/11 ở Bangkok, Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ không tham gia thỏa thuận này vì các cuộc đàm phán không giải quyết thỏa đáng "những vấn đề nổi cộm và các quan ngại" của New Delhi.

Từ nhiều thế kỷ qua, Đông Nam Á là nơi giao thoa ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai cường quốc luôn tranh giành quyền bá chủ về văn hóa và kinh tế trong khu vực. Đối với Trung Quốc, ASEAN là cánh cửa quan trọng trên Con đường tơ lụa mới, một kế hoạch hạ tầng cơ sở quy mô thế giới nhằm phục vụ cho các tham vọng của Trung Quốc. Còn đối với Ấn Độ, khu vực này giữ vai trò chủ đạo trong chính sách Hành động hướng Đông (Act East).

16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số toàn thế giới, tương đương khoảng 3,6 tỷ người. Khi RCEP được thông qua và có hiệu lực, 16 nước tham gia sẽ hình thành một khối thương mại chiếm gần 30% GDP thế giới, tạo ra khối lượng giao dịch hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 29% giá trị thương mại toàn cầu, và chiếm hơn 32% luồng vốn đầu tư thế giới.

Nhất là trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, sau khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ, RCEP sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất toàn cầu.

Ngoài ra, hiệp định RCEP, liên quan đến việc cắt giảm thuế quan và bảo vệ sở hữu trí tuệ, sẽ đánh dấu sự trở lại của tự do hóa thương mại đa phương, nhằm chống lại làn sóng bảo hộ mậu dịch mà chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump là người đi đầu.

Ý tưởng về RCEP được đề xuất vào tháng 11/2012 và các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 đối tác thương mại lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ban đầu các nước tham gia dự kiến ký kết Hiệp định vào năm 2015, nhưng RCEP đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc.

Mặc dù kéo dài suốt 7 năm, nhưng trong năm 2019, các cuộc đàm phán đã có nhiều tiến triển, trong bối cảnh Mỹ-Trung có xung đột kinh tế. Việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017 cũng là một động lực khiến các cuộc đàm phán được đẩy nhanh hơn. Trong tháng qua, Thái Lan cho biết, việc đàm phán đã hoàn thành được hơn 80%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục