Lý do khiến nhiều ngân hàng châu Âu và Ấn Độ rút khỏi Hong Kong (Trung Quốc)

08:09' - 22/11/2023
BNEWS Trong 3 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, một số ngân hàng có vốn đầu tư của châu Âu và Ấn Độ đã lần lượt rời khỏi Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Tính đến tháng 10/2023, có 151 ngân hàng được cấp phép ở Hong Kong, giảm 13 ngân hàng so với trước khi xảy ra dịch bệnh.

 

Báo cáo thường niên của Cơ quản quản lý tài chính Hong Kong (HKMA) cho thấy, năm 2019 Hong Kong có 164 ngân hàng được cấp phép. Tuy nhiên, năm 2022 con số này giảm xuống còn 155 ngân hàng. Theo báo cáo hàng tháng về dữ liệu tài chính mới nhất, tính đến tháng 10 năm nay, số ngân hàng được cấp phép tiếp tục giảm xuống còn 151 ngân hàng.

Giai đoạn 2020-2022, tổng cộng có 5 ngân hàng Ấn Độ rời khỏi Hong Kong, và tháng 9/2023 tiếp tục có thêm một ngân hàng Ấn Độ ngừng hoạt động. Nói cách khác, số ngân hàng có vốn đầu tư của Ấn Độ ở Hong Kong hiện nay đã giảm một nửa so với con số 12 ngân hàng của năm 2016.

Bên cạnh đó, cũng có ngân hàng của Australia rời khỏi Hong Kong. Năm ngoái sau khi ngân hàng Macquarie rút khỏi nghiệp vụ sản phẩm phái sinh cho khách hàng tổ chức ở Hong Kong, tháng Sáu năm nay ngân hàng Westpac cũng chấm dứt hoạt động ở Hong Kong. Ngân hàng National Australia Bank cũng có kế hoạch rút khỏi Hong Kong trong vòng 18 tháng tới.

Ông Trần Chấn Anh (Ronick Chan Chun-ying), thành viên Hội đồng lập pháp (Legco), đại diện cho giới tài chính phân tích rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến các ngân hàng Ấn Độ rời khỏi Hong Kong là do chịu tác động của nền tảng giao dịch thương mại điện tử Trung Quốc Taobao.

Ông Trần Chấn Anh nhấn mạnh, các ngân hàng Ấn Độ rời khỏi Hong Kong phần lớn kinh doanh huy động vốn thương mại Trung-Ấn. Trước đây người mua Ấn Độ mua hàng từ Trung Quốc và các ngân hàng Ấn Độ ở Hong Kong cung cấp tài chính thương mại cho họ.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử, người dùng Ấn Độ đã mua hàng trực tiếp trên Taobao, điều này khiến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Ấn Độ bị ảnh hưởng và từng bước chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Hong Kong.

Bên cạnh nghiệp vụ huy động vốn bị tác động, cũng có phân tích nhấn mạnh, rủi ro địa chính trị và yêu cầu phòng dịch khắt khe trong thời kỳ dịch bệnh có thể cũng là nguyên nhân khiến cho các ngân hàng Ấn Độ rút khỏi Hong Kong.

Ông Trần Chấn Anh cho rằng, mặc dù những năm gần đây có các ngân hàng nước ngoài rút khỏi Hong Kong, nhưng tình hình hiện nay đã ổn định trở lại. Số lượng các ngân hàng Trung Quốc ở Hong Kong không ngừng gia tăng, do đó tổng số ngân hàng không thay đổi quá nhiều.

Ngoài ra, trong số 100 ngân hàng hàng đầu thế giới, có 71 ngân hàng đang hoạt động kinh doanh ở Hong Kong. Ông Trần Chấn Anh nhấn mạnh, điều này cho thấy thị trường Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn, cũng như những ngân hàng này đánh giá tích cực hiệu quả kinh tế dài hạn của Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục