Lý do không nên đánh giá thấp cảnh báo của Donald Trump đối với Triều Tiên

05:30' - 06/10/2017
BNEWS Trước phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump tại kỳ họp ĐHĐ LHQ vừa qua, đặc biệt là cảnh báo sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, một số ý kiến cho rằng đây chỉ là lời “đe dọa suông” của Tổng thống.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo ở New York. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore số mới ra đăng bài viết của tác giả Đặng Duật Văn, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Charhar tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhấn mạnh rằng không nên đánh giá thấp hoặc xem thường cảnh báo của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vừa qua đã nhấn mạnh “Washington có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh, chúng tôi sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”. 

Thông điệp của Mỹ đưa ra đã rõ ràng, nhưng một số chuyên gia quan hệ quốc tế của Trung Quốc vẫn tỏ ra rất lạc quan. Theo đánh giá của họ, cái gọi là hành động quân sự của Chính phủ Mỹ chỉ mang tính phô trương thanh thế: ông Trump nói, nhưng không dám làm. 

Thậm chí có người còn cho rằng “dù có liều lĩnh đến mấy thì Mỹ cũng không dám đánh Triều Tiên” bởi một loạt các nguyên nhân như: sự báo thù điên cuồng của Bình Nhưỡng; sự phản đối gay gắt của Hàn Quốc; sự bất đồng trong nội bộ nước Mỹ cùng sự can thiệp của Nga và nhất là Trung Quốc. 

Theo quan điểm của các học giả này, sự can thiệp của Trung Quốc chính là vấn đề mang tính then chốt, quyết định đến việc Washington động binh hay không động binh với Bình Nhưỡng. 

Nói một cách hình tượng, chỉ cần Quân đội Trung Quốc xuất hiện tại vĩ tuyến 38 (ranh giới phân chia Nam-Bắc Bán đảo Triều Tiên) thì Mỹ sẽ không dám dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên.

Ông Đặng Duật Văn nhấn mạnh, không phải Mỹ không dám đánh Triều Tiên mà chỉ là chưa đến lúc đánh. Sở dĩ những lời cảnh báo về việc sử dụng biện pháp quân sự trước đây chưa xuất hiện là bởi vì, ông Trump vẫn cho rằng, có thể áp dụng các biện pháp khác để ép Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc chí ít cũng tạm ngừng việc theo đuổi chương trình hạt nhân.  

Từ trước đến nay, biện pháp quân sự luôn là phương thức được lựa chọn cuối cùng. Mỹ hiện vẫn hy vọng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của LHQ sẽ phát huy tác dụng, buộc Triều Tiên phải lùi bước, do đó Washington kêu gọi Bắc Kinh nỗ lực phối hợp để cùng ngăn chặn tham vọng của Kim Jong-un.

Chỉ khi nào biện pháp cấm vận của LHQ không giải quyết được vấn đề, Mỹ mới quyết định chọn giải pháp tấn công quân sự.

Trong nội dung phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump đã thể hiện rất rõ quan điểm trên. Đáng chú ý, đây chính là phát biểu chính thức của ông Trump với tư cách đại diện cho Chính phủ Mỹ, không còn là quan điểm cá nhân được ông này công bố trên mạng xã hội Twitter. 

Hội đồng Bảo an LHQ mới đây đã thông qua lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Nếu được thực thi một cách đầy đủ, lệnh trừng phạt này sẽ hoàn toàn có khả năng phát huy được tác dụng trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. 

Tuy nhiên, để lệnh trừng phạt này phát huy được tác dụng sẽ phải cần ít nhất khoảng nửa năm. Trong khoảng thời gian này, nếu Triều Tiên lại một lần nữa thử hạt nhân hoặc tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo ra Thái Bình Dương như Ngoại trưởng nước này Ri Yong Ho từng nói, đó sẽ chính là thời điểm Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công Triều Tiên.

 Trước khi tấn công, Mỹ đương nhiên sẽ yêu cầu LHQ cùng một số quốc gia liên quan, nhất là Trung Quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Khi đó, Trung Quốc sẽ buộc phải đối mặt thách thức cùng sự lựa chọn vô cùng khó khăn. 

Nếu cấm vận hoàn toàn đối với Triều Tiên, quan hệ hai nước sẽ trở lên căng thẳng, thậm chí còn trở thành kẻ thù của nhau.

Ngược lại, nếu Trung Quốc không cấm vận hoàn toàn Triều Tiên sẽ khiến mâu thuẫn Trung-Mỹ trầm trọng hơn. Bắc Kinh sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải vừa cấm vận Triều Tiên, vừa phải ứng phó với tình huống Mỹ tấn công Triều Tiên. 

Khi quyết định tấn công Triều Tiên, Mỹ đương nhiên sẽ tính đến khả năng can thiệp quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ động binh với Triều Tiên lần này sẽ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nước trên thế giới.

Ngược lại, nếu Trung Quốc vừa không thực hiện cấm vận hoàn toàn đối với Triều Tiên, vừa phản đối Washington sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng sẽ mất đi cơ sở đạo lý và chính nghĩa. 

Trong bối cảnh đó, nếu Trung Quốc cố tình can thiệp hoặc sử dụng các biện pháp khác để ngăn chặn Mỹ động binh với Triều Tiên, điều đó sẽ khiến quan hệ Trung-Mỹ rơi vào tình trạng nguy hiểm, đối mặt với nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Ông Đặng Duật Văn kết luận, Trung Quốc tuyệt đối không nên đánh giá thấp lời cảnh báo đối với Triều Tiên của ông Trump tại Đại hội đồng LHQ để khỏi phải gánh chịu những phiền hà không đáng có. 

Cảnh báo trên của ông Trump không chỉ nhắm vào Triều Tiên, mà còn nhằm cả vào Trung Quốc để nhằm mục đích buộc Bắc Kinh phải toàn tâm toàn lực thực hiện lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Trên thực tế, Trung Quốc trong vấn đề này không có nhiều giải pháp để lựa chọn. Nếu không muốn làm phật ý Triều Tiên, Trung Quốc sẽ buộc phải đắc tội với Mỹ. 

Tuy nhiên, xét trên phương diện lợi ích quốc gia cùng đạo lý quốc tế, Trung Quốc thà làm phật ý Triều Tiên còn hơn đắc tội với Mỹ, trừ phi Bắc Kinh sớm đã quyết định bảo vệ Bình Nhưỡng và đoạn tuyệt quan hệ với Washington./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục