Lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam

15:04' - 08/05/2018
BNEWS Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 đưa ra 4 khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện khả năng tham gia thị trường lao động của lao động trẻ Việt Nam.

Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 8/5 .

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.

Vì lý do đó, Báo cáo năm nay, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất cần hiểu rõ xu hướng việc làm và lựa chọn nghề nghiệp của lao động trẻ Việt Nam nhằm có những cải cách thúc đẩy năng suất lao động. Bản báo cáo đưa ra 4 khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện khả năng tham gia thị trường lao động của lao động trẻ Việt Nam.

Thứ nhất, cần có những biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động trẻ thông qua các chính sách đầu tư cho công tác dạy nghề, đi kèm với những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, đổi mới chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm nâng cao cho các ngành lao động nặng nhọc, những công nhân có tay nghề cao.

"Trong bối cảnh tốc độ tăng cung lao động trẻ của Việt Nam đã giảm trong giai đoạn gần đây, vấn đề không tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng của lao động trẻ có thể dẫn đến việc thiểu hụt về cung lao động trong tương lai”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả dự báo cung-cầu lao động để nâng cao khả năng tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu, sự không ăn khớp giữa cung và cầu về trình độ chuyên môn trên thị trường lao động dẫn tới sự kém hiệu quả và làm tăng chi phí cơ hội về thời gian cũng như nguồn lực của các gia đình khi đầu tư vào giáo dục.

Thứ ba, cần phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất trong địa bàn hoặc gần địa bàn sinh sống của các lực lượng lao động trẻ tiềm năng. Sự tập trung các doanh nghiệp cùng ngành ở cùng một khu vực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân các doanh nghiệp cũng như thu hút thêm các doanh nghiệp khác tới khu vực đó.

Khi số lượng các doanh nghiệp tăng đồng nghĩa với việc cầu về lao động cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong khu vực đó cũng như các khu vực lân cận.

Thứ tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, cụ thể là các chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số chi phí phi chính thức và chỉ số năng động cấp tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. Sự phát triển này cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, từ đó nâng cao khả năng tham gia thị trường và lựa chọn nghề nghiệp cho lao động trẻ.

Bản báo cáo cũng khuyến nghị, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tiếp thu khoa học công nghệ ở các ngành và phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy năng suất lao động.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nhà nước cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục