Lý giải những nguyên nhân cản bước đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

06:30' - 20/06/2023
BNEWS Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023; tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước đã “bão hòa” và thương mại sụt giảm.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tác giả bài viết trên báo The Straits Times của Singapore, Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu sau khi nước này từ bỏ chính sách Zero-COVID và mở cửa trở lại biên giới vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước đã “bão hòa” và thương mại sụt giảm.

Với doanh thu chịu áp lực từ việc giá hàng hóa và dịch vụ giảm, các doanh nghiệp đã cắt giảm tuyển dụng và đầu tư để cắt giảm chi phí. Trong khi đó, trong tháng Năm, cứ 5 người ở độ tuổi từ 16 đến 24 của Trung Quốc thì có hơn 1 người thất nghiệp - mức cao kỷ lục.

Để đối phó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) lần đầu tiên trong 10 tháng đã cắt giảm chi phí vay của các khoản vay chính sách trung hạn 10 điểm cơ bản xuống còn 2,65%. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi Ngân hàng trung ương này giảm chi phí cho vay ngắn hạn từ 2% xuống 1,9% (cũng là lần đầu tiên trong 10 tháng). Sáu ngân hàng quốc doanh mới đây cắt giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng NDT từ 0,25% xuống 0,2% để khuyến khích vay và chi tiêu tiêu dùng.

Tại sao nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại?

Nguyên nhân sâu xa của sự suy giảm kinh tế Trung Quốc có thể là do tâm lý người tiêu dùng. Giáo sư kinh tế Tan Kong Yam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương cho rằng ở nước này vẫn còn cảm giác sợ hãi và không chắc chắn về cú sốc của các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 - một trong những nước phong tỏa nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất sợ rủi ro và sợ mất việc làm cũng như thu nhập nếu mọi thứ lại trở nên tồi tệ. Tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc giờ đây không phải để tiêu dùng mà là tiết kiệm tiền mặt đề phòng “những ngày giông bão” phía trước.

Nhiều người cũng đang tiết kiệm để giảm các khoản thế chấp của họ trong bối cảnh Chính phủ siết chặt các biện pháp nhằm hạn chế đầu cơ và ổn định giá bất động sản mà trong những năm gần đây đã tăng vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.

Những người khác đã bán bất động sản của mình với giá thua lỗ khi giá giảm sau các quy định chặt chẽ hơn và sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ ở một số thành phố nhằm ngăn chặn lạm phát giá cả.

Kết quả là mức độ lòng tin của người tiêu dùng đã yếu đi và các hộ gia đình không muốn vay để chi tiêu. Điều này đã dẫn đến sự chậm lại trong các hoạt động kinh doanh như tuyển dụng và sản xuất, đồng thời hạn chế đầu tư vào đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.

Ngoài ra, xuất khẩu đang bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu yếu hơn, trong khi một số công ty nước ngoài đã rót vốn đi nơi khác khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài dai dẳng.

Liệu sự sụt giảm có kéo dài?

Được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ và chi tiêu trong nước cho dịch vụ, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,6% năm 2023 và 4,6% năm 2024 (theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới vào tháng Sáu).

Các nhà phân tích khác dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng ít nhất 5%. Con số đó cao hơn mức tăng trưởng 3% của năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với các mức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trước đại dịch.

Giáo sư Tan cho biết mức độ niềm tin và tâm lý nhà đầu tư sẽ dần cải thiện khi nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn được triển khai để thúc đẩy quá trình phục hồi. Ông cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ lo lắng về việc nền kinh tế tiếp tục suy giảm, và nên cắt giảm lãi suất nhiều hơn cũng như hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực như bất động sản trong những tháng tới. Ông nói thêm rằng đầu tư nước ngoài và tư nhân nên được tiếp tục bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

Điều này là do Trung Quốc cần thị trường Mỹ và đầu tư nước ngoài để tạo thêm nhiều việc làm, trong khi Mỹ cần các sản phẩm rẻ và chất lượng tốt để duy trì sức mua thực của tầng lớp trung lưu thấp hơn của mình. Theo Giáo sư Tan, điều này cũng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ đạt được tỷ lệ lạm phát thấp hơn. Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục kinh doanh và đầu tư vào Trung Quốc - một thị trường lớn họ không thể để mất vào thời điểm mà lợi nhuận đang đi kèm với áp lực và cạnh tranh gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Brian Lee thuộc Ngân hàng Maybank cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản, mức nợ tổng thể cao và tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao vẫn là một gánh nặng đối với đầu tư tư nhân và chi tiêu tiêu dùng. Ông nói thêm hoạt động sản xuất có thể sẽ tiếp tục chững lại do nhu cầu xuất khẩu yếu và đầu tư nước ngoài giảm.

Nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ lại tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã và đang tăng lên kể từ sau đại dịch COVID-19 khi hàng triệu doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ vốn có xu hướng thuê nhiều người trẻ hơn, đóng cửa hay phá sản. Trung Quốc cũng xử lý mạnh tay các lĩnh vực do các công ty tư nhân chi phối mà trước đó đã sử dụng hàng triệu người trẻ. Đó là các công ty Internet, các nhà phát triển bất động sản và nhà cung cấp giáo dục tư nhân.

Điều này không chỉ dẫn đến việc sa thải lao động, mà các sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng trong các lĩnh vực này giờ đây cũng có ít vị trí tuyển dụng hơn để ứng tuyển. Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp không muốn làm việc trong các nhà máy. Một báo cáo của Goldman Sachs vào tháng Năm lưu ý người trẻ có xu hướng đặc biệt dễ bị tổn thương khi kinh tế suy giảm vì họ có ít kinh nghiệm làm việc hơn.

Và trong khi nền kinh tế Trung Quốc được cải thiện trong quý I/2023, sự gia tăng nhu cầu đối với người lao động không đủ để hấp thụ làn sóng sinh viên mới tốt nghiệp vào thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục