Mã độc khó có thể tấn công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường

17:15' - 09/08/2016
BNEWS Ngày mai 10/8, Hà Nội sẽ chính thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường tại 144 phường thuộc 10 quận và đến hết năm, sẽ triển khai tại tất cả 584 xã/phường tại Hà Nội.

Ngày 9/8, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú nói: Mã độc khó có thể tấn công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường. 

Hệ thống này được xây dựng trên hạ tầng công nghệ đồng bộ dùng riêng, không kết nối mạng internet và có cơ chế giám sát bảo mật nghiêm ngặt từ các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu của thành phố.

Để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, ngay từ đầu năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo để triển khai theo định hướng xây dựng hệ thống nền tảng thống nhất bao gồm Cổng dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến kết nối với hệ thống một cửa điện tử và xử lý chuyên môn nghiệp vụ.

Đồng thời, thành phố Hà Nội đã chọn 2 Quận Long Biên và Nam Từ Liêm triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phường, trước tiên cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính với Công an và Bảo hiểm xã hội.

Thực tế chứng minh, sau khi vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường trên địa bàn 2 quận đã diễn ra thành công, công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin được quan tâm và không có mã độc tin tặc tấn công vào cơ sở dữ liệu.

Cũng liên quan về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng, các chuyên gia về mã độc thuộc Tập đoàn công nghệ Bkav đã từng khuyến cáo mã độc tấn công hệ thống mạng Vietnam Airlines vừa xảy ra cũng xuất hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác bao gồm cả các cơ quan Chính phủ, các tập đoàn, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Những mã độc này sau khi xâm nhập vào máy tính sẽ ẩn mình dưới vỏ bọc giả mạo. Nhờ đó, nó có thể ẩn mình trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

Mã độc có chức năng thu thập tài khoản mật khẩu, nhận lệnh cho phép hacker kiểm soát, điều khiển máy tính nạn nhân từ xa, thực hiện các hành vi phá hoại như xóa dấu vết, thay đổi âm thanh, hiển thị hình ảnh, mã hóa dữ liệu...

Do vậy, khi phát hiện hệ thống có mã độc, quản trị viên cần lập tức báo cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ rà soát toàn bộ hệ thống mạng vì khi mã độc này đã xuất hiện có nghĩa là hệ thống đã bị xâm nhập.

/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục