Malaysia đối mặt với bài toán khó về lao động nhập cư

05:30' - 12/04/2022
BNEWS Đại diện của Liên đoàn sử dụng lao động nước ngoài Malaysia (MEF) đang hối thúc chính phủ đàm phán với các quốc gia có nguồn nhân lực dôi dư để đảm bảo lao động cho nhiều ngành sản xuất và dịch vụ.

Ngay từ cuối năm 2021 khi các ngành kinh tế Malaysia được phép hoạt động trở lại, hầu hết các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến việc đảm bảo nguồn nhân lực để các ngành có thể hoạt động tối ưu nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Chủ tịch Liên đoàn sử dụng lao động nước ngoài Malaysia (MEF), Tiến sỹ Syed Hussain Syed Husman cho biết, theo thống kê đến ngày 1/ 4 vừa qua đã có 475.678 nhà tuyển dụng gửi đơn đăng ký tuyển dụng lao động nước ngoài thông qua hệ thống tuyển dụng. Cụ thể là 290.248 nhà tuyển dụng cho lĩnh vực sản xuất, 77.000 cho lĩnh vực dịch vụ, 53.854 cho lĩnh vực trồng rừng, 43.519 cho lĩnh vực xây dựng, 11.037 cho lĩnh vực nông nghiệp và 20 cho lĩnh vực khai thác và khai thác đá. 
Tuy nhiên, sau gần hai tháng MEF mở lại trang đăng ký tuyển dụng lao động nước ngoài, chỉ có 2.605 đơn đăng ký trong lĩnh vực sản xuất và trồng trọt được chấp thuận. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp là 4,2%, với hơn 680.000 vị trí tuyển dụng, nhưng người lao động địa phương không muốn làm việc trong những lĩnh vực kể trên do công việc không hấp dẫn và thu nhập không cao.
Đại diện của MEF bảy tỏ quan ngại trước thực trạng này bởi tỷ lệ chấp thuận 0,55% trong tổng số 475.678 đơn đăng ký thực sự là một mối lo ngại lớn điều này có thể dẫn đến việc làm chệch hướng nỗ lực phục hồi nhanh chóng của các doanh nghiệp. Thậm chí, MEF lo rằng sự thiếu hụt lực lượng lao động có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia cho năm 2022, vốn được Ngân hàng Trung ương Malaysia dự đoán là từ 5,3% đến 6,3%.
Trên thực tế, theo MEF không có lao động nước ngoài mới nào được nhập cảnh thông qua Hệ thống quản lý tập trung lao động nước ngoài (FWCMS) bởi quy trình xét duyệt hồ sơ nhiều bước của FWCMS đã khiến các nhà tuyển dụng trong một số lĩnh vực thất vọng.
MEF cho biết, các đồn điền dầu cọ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công thu hoạch nghiêm trọng khiến các chủ đồn điền thiệt hại hơn 30 tỷ ringgit (RM), do đó chính phủ đã mất doanh thu do ngành này mang lại. “Ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia không cạnh tranh được với các nước láng giềng do chi phí bán hàng và lãng phí cao hơn”, MEF nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi chính phủ nên giải quyết tình trạng thiếu hụt hơn 72.000 lao động trong lĩnh vực trồng rừng.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực xây dựng Malaysia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng khiến các dự án xây dựng lớn bị chậm tiến độ. Ước tính lĩnh vực sản xuất đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực 40%. Các khách sạn đã nộp đơn đăng ký tuyển dụng lao động nước ngoài, nhưng hầu hết đều đang chờ xét duyệt mặc dù kênh tuyển dụng lao động nước ngoài đã mở đăng ký trở lại cách đây 2 tháng.
Các nhà cung cấp dịch vụ cho khách sạn, chẳng hạn như các nhà thầu vệ sinh, vốn đang sử dụng lao động nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc xin cấp hạn ngạch vì các ngành khác đang được ưu tiên do nguồn cung thiếu hụt tại các nước cung cấp lao động.
Ngành công nghiệp nhà hàng, vốn thiếu gần 40.000 lao động, đang trong tình trạng báo động. Một số nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn và một số khác đã phải đóng cửa chi nhánh. Thậm chí, một số nhà sử dụng lao động đang đẩy mạnh việc “săn trộm” công nhân của những nơi khác bằng cách trả lương cao hơn.
Trước thực trạng này, đại diện của MEF hối thúc chính phủ đàm phán với các quốc gia có nguồn nhân lực dôi dư để kiểm soát và giới hạn phí tuyển dụng của các đại lý. MEF cũng hy vọng rằng thời gian xét duyệt hồ sơ của lao động nước ngoài có thể được rút ngắn. Quá trình nộp đơn cho lao động nước ngoài mới ước tính mất đến sáu tháng, trước khi một lao động nước ngoài có thể bắt đầu làm việc.
Ngoài ra, Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) kêu gọi chính phủ thông báo rõ ràng lý do từ chối hoặc không xử lý đơn xin việc của lao động nước ngoài để người sử dụng lao động có thể nhanh chóng khắc phục sự việc.
Chủ tịch FMM Tan Sri Soh Thian Lai cho rằng chính phủ nên rõ ràng và nhất quán hơn trong quy trình đăng ký và tuyển dụng, đồng thời đề nghị rút ngắn thời gian quảng cáo bắt buộc 30 ngày trên MyFutureJobs, điều này sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để xử lý giấy phép lao động.
Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Malaysia (SERC), cho biết, trong khi các doanh nghiệp luôn ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào lao động nước ngoài, thì tình trạng thiếu lao động trầm trọng đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng và ưu tiên thực tế để hỗ trợ kinh tế địa phương hướng tới phục hồi. Các nỗ lực phục hồi kinh doanh sẽ bị cản trở nghiêm trọng nếu người sử dụng lao động không được cung cấp những lao động cần thiết, đặc biệt là trong những ngành vẫn phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Người sử dụng lao động rất thất vọng vì không thể thu hút những người lao động cần thiết vì người dân địa phương vẫn “thờ ơ” đối với những công việc do người lao động nước ngoài đảm nhiệm.
Trên thực tế, tại Malaysia có hai luồng ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ việc sử dụng lao động nước ngoài cho rằng việc giải quyết vấn đề trước mắt là rất hợp lý, do việc thiếu hụt lao động sẽ làm cản trở tăng trưởng kinh doanh và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, họ đặt câu hỏi “Liệu khát vọng của quốc gia trong việc nâng cao chuỗi giá trị và giảm bớt sự phụ thuộc vào lực lượng lao động chân tay nước ngoài có được thực thi nếu họ tiếp tục thuê lực lượng lao động này như đã từng làm trước đây”.
Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng của Đại học Sunway, Malaysia cho rằng, đại dịch kéo dài hai năm sẽ là một cơ hội bị lãng phí nếu các ngành công nghiệp quay lại sử dụng lao động nước ngoài mà không xem xét đến các kế hoạch nâng cấp, áp dụng công nghệ mới và tự động hóa những quy trình lao động chân tay nước ngoài thực hiện. Những ngành như vậy nên được chuyển đến các nước có chi phí lao động thấp trong khu vực để thực hiện. Giáo sư đã gọi sự phụ thuộc quá mức vào lao động nước ngoài là một vấn đề cơ cấu lâu dài mà đất nước đang phải đau đầu để giải quyết.
Theo ông Yeah Kim Leng, điều quan trọng hơn trong thời điểm này là liệu đất nước có đang tận dụng các cơ hội như ngân sách lớn được phân bổ cho việc tái thiết nền kinh tế để tăng tỷ lệ và khối lượng đầu tư chất lượng, tạo ra việc làm có chuyên môn cao và sản xuất hàng hóa - dịch vụ có giá trị hay không. Trong khuôn khổ mà việc nới lỏng lượng lao động nước ngoài không gây nguy hiểm cho việc nâng cấp ngành công nghiệp cho doanh nghiệp và ngành nghiệp trong dài hạn, mà góp phần nâng cao thu nhập của đất nước trong ngắn hạn, thì “cơ hội bị lãng phí” sẽ là một vấn đề phải tranh cãi, ông nói thêm.
Một kỹ sư giấu tên làm trong ngành tự động hóa cho biết: “Chúng tôi đã từng chứng kiến nhà sản xuất dựa vào 100% lao động thủ công trên dây chuyền sản xuất thời điểm trước đại dịch và hiện họ đã quyết định tự động hóa hoàn toàn. Họ bắt đầu thấy rằng quy trình sản xuất bằng máy ổn định hơn và có ít lỗi hơn”.
Kể từ Kế hoạch Malaysia lần thứ tám (2001-2005), Malaysia đã đề cập đến việc giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Trong hai kế hoạch gần đây nhất của Malaysia - kế hoạch 11 và 12 - chính phủ đã đặt ra ngưỡng giảm số lượng lao động nước ngoài xuống dưới 15% lực lượng lao động.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy các nhà chức trách đã quản lý để giữ số lượng lao động nước ngoài dưới ngưỡng 15%. Năm 2021, số lượng lao động nước ngoài chính thức là 1,1 triệu người, chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, giới chức làm việc trong lĩnh vực lao động cho biết nhiều lao động nước ngoài đã không thể thống kê vì họ không có giấy tờ hợp lệ trong thời gian đại dịch xảy ra vì nhiều lý do. 
Dân số lao động nước ngoài không có giấy tờ ở nước này được cho là lớn, với một số ý kiến cho rằng con số này tương đương với lao động nước ngoài hợp pháp, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Đáng chú ý, số lượng lao động nước ngoài được tuyển dụng tại Malaysia hiện đang dựa trên một số điều kiện và tỷ lệ lao động địa phương đối với lao động nước ngoài khác nhau giữa các lĩnh vực.
Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất, tỷ lệ người dân địa phương trên lao động nước ngoài là từ 1:3, 1:1 và 2:1, tùy thuộc vào đó là ngành công nghiệp có phục vụ cho việc xuất khẩu hay không hoặc điện tử và ngành sản phẩm điện.
Tháng 1/2022, Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin tuyên bố rằng chính phủ sẽ bãi bỏ “hạn ngạch đặc biệt” đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài. Theo đó, tất cả các đơn đăng ký từ các nhà tuyển dụng sẽ thông qua ủy ban đánh giá của Bộ để xác định số lượng lao động nước ngoài đủ điều kiện được tuyển dụng phù hợp với các điều khoản và điều kiện đã đặt ra. Điều này rõ ràng đã vấp phải những phản ứng trái chiều, với một số người gọi đây là một động thái tích cực trong khi những người khác cho rằng những quy định này có khả năng làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế.
Liên đoàn Sử dụng lao động nước ngoài tại Malaysia bày tỏ quan ngại về việc bãi bỏ này, nói rằng hệ thống hạn ngạch đặc biệt nên được duy trì vì cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn lao động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Ngược lại, Liên đoàn các nhà sản xuất tại Malaysia (FMM) ủng hộ động thái này vì quy định đã loại bỏ việc lạm dụng hệ thống hạn ngạch, bởi hệ thống này có thể dẫn đến quá nhiều mục nhập và khả năng xảy ra các vấn đề buôn người.
Ông Lee cũng cho rằng việc loại bỏ các hạn ngạch đặc biệt về tuyển dụng sẽ giúp đảm bảo một quy trình nhất quán và minh bạch cho tất cả các lĩnh vực, không có bất kỳ đối xử đặc biệt nào và loại bỏ tình trạng thuê người làm việc không hiệu quả. Theo ông cần phải phát triển một hệ thống tuyển dụng trực tuyến “đánh giá-xét duyệt hồ sơ-nộp hồ sơ đơn giản”, được hỗ trợ bởi cơ sở dữ liệu tập trung để tuyển dụng lao động trực tiếp.
Trên thực tế, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Malaysia rất phức tạp. Các nhà tuyển dụng thường sử dụng các đơn vị tư nhân để tuyển dụng lao động nước ngoài và thường bị đánh giá là hoạt động thiếu minh bạch. Khoảng 95% lao động trình độ thấp của Việt Nam được tuyển làm việc trong lĩnh vực sản xuất và chỉ có 2% lao động nước ngoài có kinh nghiệm được chủ sử dụng lao động tuyển dụng trực tiếp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục