Malaysia: Vấn đề an ninh lương thực quốc gia và bài học từ Qatar

06:30' - 05/04/2022
BNEWS Sự cấp bách liên quan đến vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng gia tăng do tác động của các điểm nóng tại châu Âu cũng như sự gia tăng khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Năm 2021, Malaysia đứng thứ 39 trong tổng số 113 quốc gia về chỉ số an ninh lương thực toàn cầu (GFSI). Bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên các chỉ số về khả năng chi trả cho thực phẩm, tính sẵn có, chất lượng và tính an toàn của lương thực. 
Một yếu tố quan trọng khác là “tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi”, để đánh giá sức ảnh hưởng của một quốc gia trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Malaysia đứng thứ 8 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thứ 2 ở Đông Nam Á về an ninh lương thực. Malaysia đứng sau Singapore, quốc gia vốn chỉ có 1% đất sản xuất lương thực và thiếu thốn tài nguyên thiên. Trong khi đó, Malaysia có tới 800.000 hecta đất nông sản nhưng lại chưa thể tự cung tự cấp lương thực.
* An ninh lương thực là vấn đề cấp bách
Không một quốc gia nào có thể tự mãn khi nói đến an ninh lương thực và sự cấp bách liên quan đến vấn đề này đang ngày càng gia tăng do tác động của các điểm nóng tại châu Âu cũng như sự gia tăng khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Ngày 28/3, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã cảnh báo rằng những căng thẳng tại Ukraine đang dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Ukraine và Nga vốn là những nhà cung ứng lúa mỳ và ngô chủ chốt của thế giới. Nga và Belarus cũng nằm trong số ba nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. WFP cảnh báo rằng tác động của căng thẳng địa chính trị đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ được ghi nhận không chỉ trong vấn đề giá lương thực tăng vọt mà còn khiến thế giới có nguy cơ đói kém, bất ổn và gây ra tình trạng di cư ồ ạt.
Ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đã chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, cũng như phải đối phó với các thảm họa thiên nhiên như hạn hán và lũ lụt. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy chi phí vận tải và hàng hóa tăng cao.

Trong bối cảnh đó, xung đột kéo dài sẽ chỉ làm leo thang nạn đói nghèo trên toàn cầu và trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực chạm mức cao nhất trong lịch sử vào tháng Hai vừa qua, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tại Malaysia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,2% lên ngưỡng 125,2 so với mức 122,5 của tháng 2/2021, chủ yếu do lạm phát thực phẩm gia tăng.
An ninh lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Ngành nông nghiệp của Malaysia chỉ chiếm 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019 và với dân số tương đối ít. Vì vậy, nước này không thể tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực cơ bản.
Mức độ tự đảm bảo của các mặt hàng lương thực chính như gạo, rau, quả, thịt bò và sữa của Malaysia lần lượt là 63%, 44,4%, 78,2%, 22,3% và 63%. Malaysia chủ yếu dựa vào nhập khẩu thực phẩm với giá trị nhập khẩu lên đến 50,14 tỷ RM năm 2018 và tiếp tục tăng lên 51,4 tỷ RM năm 2019.
Kế hoạch Hành động Chính sách Lương thực Quốc gia 2021-2025 (DSMN) là chiến lược để đảm bảo hệ thống lương thực của Malaysia trong tương lai. DSMN đặt trọng tâm vào chuyển đổi kỹ thuật số để đảm bảo lĩnh vực này có thể đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.
Mục tiêu là tạo ra ngành nông nghiệp thực phẩm bền vững, bao trùm và cạnh tranh nhằm giảm thiểu và quản lý các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cũng như sự gián đoạn của chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.
Mức độ cấp bách về an ninh lương thực đối với Malaysia ngày càng gia tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng lũ lụt “trăm năm có một” vào năm 2021 có nguy cơ tái diễn thường xuyên tại nước này. Lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp đã ghi nhận thiệt hại hơn 67 triệu RM do lũ lụt vào tháng 12/2021.

* Bài học của Qatar
Mức độ thiệt hại của những thảm họa thiên nhiên và tác động đối với hoạt động sản xuất lương thực của Malaysia sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, Malaysia có thể học hỏi kinh nghiệm từ Qatar. Là một trong những quốc gia thiếu nước nghiêm trọng nhất trên thế giới, Qatar là bài học điển hình về mối quan hệ giữa an ninh lương thực và an ninh quốc gia.
Ngày 5/6/2017, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã tiến hành phong tỏa hàng không và hàng hải đối với Qatar với lý do nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. 
Các nước láng giềng vùng Vịnh đã phong tỏa trừng phạt Qatar, bóp nghẹt đường cung lương thực của nước này chỉ trong một đêm, nhưng điều này lại có tác dụng ngược. Lệnh trừng phạt đã đẩy Qatar tách khỏi Hội đồng Hợp tác của các quốc gia Arập vùng Vịnh và tạo ra một quốc gia độc lập. Qatar đã dành thời gian 5 năm qua để chuyển đổi an ninh lương thực và tài nguyên của chính mình.
Trước khi bị phong tỏa, Qatar vốn nhập khẩu gần 40% hàng hóa và dịch vụ thông qua Saudi Arabia nhưng lệnh phong tỏa đã buộc nước này phải đẩy nhanh các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Đáng chú ý hơn, Qatar giờ đây đã có thể tự cung tự cấp về sữa trong khi nước này từng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tới 72%, trong đó công ty Baladna của nước này đã trở nên nổi tiếng khi sở hữu những trang trại gia súc lớn nhất trong khu vực.
Sau khi thành lập được hai năm, Baladna đã xuất khẩu sang Afghanistan, Yemen và Oman. Bắt nguồn từ sự phong tỏa, công ty này đã đảm bảo được sự tự chủ 100% sữa cho Qatar. Baladna hiện đã hợp tác thúc đẩy mô hình trang trại và sản xuất sữa với Malaysia, dự kiến bước vào hoạt động vào tháng 7 tới.
Chiến lược An ninh Lương thực Quốc gia của Qatar (2018-2023) đưa ra 5 trụ cột chính, bao gồm thương mại quốc tế và hậu cần, tự cung tự cấp trong nước, nguồn dự trữ chiến lược, thị trường trong nước, chuỗi cung ứng cũng như nghiên cứu và phát triển. Trong đó, sản lượng rau tăng từ 66.000 tấn dự kiến tăng lên khoảng 103.000 tấn, tỷ lệ tự cung tự cấp là 41% dự kiến tăng lên 70% vào năm 2023.
Bài học điển hình từ Qatar cho thấy rằng với quyết tâm về ý chí chính trị, ngành nông sản của Malaysia có thể trở lên linh hoạt hơn, bao trùm, bền vững và cạnh tranh hơn cùng với nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Bền vững của quốc gia Đông Nam Á này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục