Mâm ngũ quả ngày Tết - Nét đẹp văn hóa Việt

11:11' - 15/01/2023
BNEWS Cùng với bánh chưng xanh và câu đối đỏ, mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt trong mỗi dịp Tết.

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.

* Lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt

Theo phong tục truyền thống của người Việt, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một mâm ngũ quả để cúng trên bàn thờ tổ tiên hoặc để trưng bày trong phòng khách. Ðêm 30 Tết, sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, cũng là lúc mọi người sửa soạn mâm ngũ quả để kịp cúng giao thừa...

Có lẽ vậy, mà gia đình nào cũng cố gắng thể hiện sao cho mâm ngũ quả ngày Tết vừa đẹp mắt, vừa làm cho Tết Nguyên đán thêm sinh động, thiêng liêng, đặc biệt hơn là mang hàm ý những điều ước nguyện của gia đình mình trong năm mới.

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh "trái cây năm màu". 5 màu tượng trưng cho "ngũ thiện căn" theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Với triết lý sống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân Việt Nam luôn muốn hiến dâng những thành quả của mình lên tổ tiên, không chỉ các thứ bánh ngon mà còn cả các loài hoa thơm trái ngọt để bày tỏ tấm lòng thành. Mâm ngũ quả là nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp ấy với những sản vật được cúng dâng vào các ngày lễ nói chung và trong dịp Tết nói riêng.

Mỗi loại quả được lựa chọn để sắp xếp trong mâm ngũ quả đều mang những ý nghĩa riêng nhất định. Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng.

Thông thường, mâm ngũ quả miền Bắc chú trọng ngũ hành gồm Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ tương ứng với các màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng thì mâm ngũ quả miền Trung và miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên.

 

* Đặc trưng mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền

Tùy vào điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi vùng miền mà có cách bày biện, sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau. Nhưng nhìn chung mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt gửi gắm.

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Theo đó, các loại quả không thể thiếu là chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, xoài, hồng, táo, lựu…Cách trình bày truyền thống thường phải theo ngũ hành, trước hết là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác.

Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh. Sự sắp xếp khá tinh tế và chi tiết giữa màu sắc và kích thước của các loại quả sẽ mang lại sự hài hòa đẹp mắt.

Trong khi đó, người miền Nam lại trọng về ý nghĩa các loại quả hơn nên mâm ngũ quả thường bao gồm mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài. Trong đó, mãng cầu là cầu chúc cho mọi điều đều như ý; quả dừa, phát âm tương tự như "vừa," có nghĩa là không thiếu; quả sung - sung mãn về sức khỏe, tiền bạc; quả đu đủ có nghĩa mang đến một năm mới được đầy đủ, thịnh vượng; quả xoài, phát âm na ná như là "xài" - cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Khi đọc phát âm của những loại quả này tương tự câu “cầu sung vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ xài sung".

Người miền Trung lại không quá câu nệ về hình thức hay ý nghĩa của các loại quả, nên mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được miễn tươi ngon và gia chủ thành tâm dâng kính tổ tiên. Có thể kể đến một số loại quả thường thấy như thanh long, dưa hấu, dứa, mãng cầu, cam, quýt, hồng, na...

Cho dù cách lựa chọn cũng như trình bày mâm ngũ quả của ba miền có khác nhau nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội tổ tiên và ước mong một năm mới sum họp, an khang, hạnh phúc, đủ đầy.

Ngày nay hoa quả ngày càng phong phú, vì thế mâm ngũ quả theo đó cũng có nhiều loại quả hơn.

Thế nhưng, tên gọi thì vẫn giữ nguyên - “ngũ quả”. Mâm ngũ quả vẫn luôn tạo cho không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp, rực rỡ. Nó thể hiện sinh động cho ý tưởng, triết lý-tín ngưỡng-thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

* Ý nghĩa một vài loại quả thường được bày trên mâm ngũ quả:

- Lê: vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

- Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

- Đào: thể hiện sự thăng tiến.

- Phật thủ: giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người.

- Táo (loại trái to màu đỏ tươi): có nghĩa là phú quý.

- Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.

- Thanh long: mang ý nghĩa rồng mây gặp hội.

- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

- Nải chuối: như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt, mang ý nghĩa che chở, bao bọc.

- Quả trứng gà: có hình trái đào tiên, mang ý nghĩa là lộc trời.

- Dừa: có âm tương tự như là “vừa”, có nghĩa là không thiếu.

- Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.

- Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.

- Xoài: có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.../.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục