BNEWS
Bên cạnh việc hưởng lợi theo triển vọng tích cực ngành dệt may trong nước, giới phân tích đánh giá, mảng bất động sản đóng góp vào định giá doanh nghiệp dệt may trong năm 2022.
Theo quan sát, một số doanh nghiệp dệt may có sở hữu quỹ đất như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) và Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL).
Với TNG, doanh nghiệp này đang triển khai các dự án bất động sản ở Thái Nguyên từ năm 2018 và đặt mục tiêu mảng bất động sản sẽ đóng góp 17% doanh thu và 50% lợi nhuận vào năm 2025. Theo đó, sau dự án chung cư TNG Village 1 năm 2021, 2 dự án tiếp theo được kỳ vọng mang lại nguồn doanh thu tới đây là cụm công nghiệp Sơn Cẩm năm 2022 và TNG Village 2 năm 2023.
Đáng chú ý, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 tại tỉnh Thái Nguyên do TNG làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vị trí có hệ thống giao thông khá thuận tiện. Dự án có diện tích đất thương phẩm 49 ha, giá cho thuê khoảng 110 USD/m2, chưa VAT.
Hiện dự án đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch của TNG, năm 2022, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 sẽ được lấp đầy 100% và đem lại doanh thu dự kiến 1.022 tỷ đồng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá tiềm năng dự án này khá khả quan do nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng sau khi Chính phủ nới lỏng sau COVID.
Về phía TCM, giới phân tích cho rằng, bất động sản cũng là mảng kinh doanh mà TCM tập trung phát triển trong thời gian này. TCM đang hợp tác cùng đối tác trong nước để sớm hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án Thành Công Tower tại địa chỉ 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú và khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, theo kế hoạch, doanh nghiệp ngành dệt may này triển khai đầu tư xây dựng 3 tòa tháp Thành Công Tower 1, 2, 3 (TC1, TC2, TC3). Riêng TC1 có diện tích khu đất gần 10.000 m2, dự kiến xây dựng 3 toà với tổng cộng 650 căn hộ chung cư.
Vừa qua, Gilimex cũng thông qua chủ trương góp thêm 126 tỷ đồng vốn đầu tư vào hai công ty con hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đại diện Gilimex, doanh nghiệp này kỳ vọng đến hết năm 2022, mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ được bàn giao 460 ha đất sạch và có những khách hàng đầu tiên. Doanh nghiệp cũng đang chờ chính quyền Bình Dương cấp phép cho các dự án khách sạn khu công nghiệp sau khi địa phương trở lại hoạt động bình thường.
Hiện nay, Gilimex tập trung triển khai dự án khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế và dự án khách sạn tại Bình Dương. Ngoài ra, công ty đề xuất đầu tư khu công nghiệp 720 ha tại Quảng Ngãi.
Trong khi đó, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận triển vọng tăng trưởng khả quan, nhất là khi các đường bay quốc tế đã được nối lại.
Nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, việc đường bay quốc tế được triển khai bình thường trở lại sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục kế hoạch khảo sát đã bị trì hoãn trước đó. Cùng với đó, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ phục hồi trong 2022 khi các hợp đồng ghi nhớ (MOU) đã ký trong 2021 sẽ được hoàn tất trong 2022.
Một trong những động lực tăng trưởng của bất động sản công nghiệp đến từ hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các khu công nghiệp liên tục được cải thiện. Dự án hạ tầng như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Cao tốc Bắc - Nam, Cảng Thị Vải - Cái Mép, Cảng Gemalink sẽ tạo giao thông thuận tiện kết nối các khu công nghiệp, từ đó gia tăng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất, góp phần vào định giá doanh nghiệp dệt may như TNG, TCM, GIL…
Bên cạnh mảng bất động sản, các doanh nghiệp này ghi nhận tín hiệu tích cực từ hoạt động cốt lõi khi bộ ba hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may trong nước thông qua các cam kết ưu đãi thuế quan và các quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2022, dệt may tiếp tục nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, khi đóng góp 8,84 tỷ USD cho kim ngạch chung của cả nước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, ngành dệt may cũng ghi nhận nhu cầu hàng may mặc phục hồi ở các thị trường chính trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhu cầu sợi nguyên liệu cho ngành dệt may Trung Quốc phục hồi là động lực lớn nhất hỗ trợ xuất khẩu sợi Việt Nam khi tỷ trọng thị trường này đạt trung bình hơn 50% trong tổng cơ cấu xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Trên thị trường, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều có mức tăng trưởng mạnh trong quý I/2022. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 31/3, cổ phiếu TNG tăng hơn 16%, TCM tăng gần 16%, GIL tăng gần 39% so với phiên giao dịch ngày 4/1./.