Mạng phân phối nước ngoài: Có một hướng đi mới để tiếp cận

16:41' - 31/05/2017
BNEWS Ngày 31/5, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội đã tổ chức thông báo về Chương trình Tuần hàng Việt Nam-Hà Nội năm 2017 tại Nhật Bản diễn ra từ ngày 5/6 đến 11/6/2017.
Logo nhận diện sản phẩm Việt Nam của Hà Nội tại Nhật Bản và cũng là mẫu logo chung để nhận diện hàng Việt Nam của Hà Nội tại các nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên Hà Nội phối hợp với Tập đoàn AEON của Nhật Bản tổ chức chương trình nhằm đưa các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.

Hướng đi đúng

Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của 1.675 nhà cung cấp tại Việt Nam vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của AEON đã đạt gần 200 triệu USD. Trong đó, may mặc và giày dép chiếm gần 70%, còn lại thực phẩm và hàng gia dụng chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn.

Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, để "thẳng tiến" vào 14.000 cửa hàng của riêng AEON và những nhà phân phối khác của Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương thực hiện đồng bộ quy trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Bà Nguyễn Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội là một trong những giải pháp để “Triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài” của Bộ Công Thương và nhằm phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Đây là chương trình mà lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm, với mong muốn thúc đẩy, phát triển các kênh xuất khẩu mới đưa hàng Việt Nam từ khâu sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước bằng các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.

Tham gia Chương trình có 36 doanh nghiệp; trong đó, có 33 doanh nghiệp của Hà Nội và 3 doanh ngiệp thuộc các tỉnh khác.

Với các mặt hàng dệt may, thời trang, da giày, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, trang trí, nông sản thực phẩm chế biến đặc sản của các vùng miền.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không có gian hàng tại hội chợ cũng gửi sản phẩm, catalogue quảng bá giới thiệu sản phẩm đến Tuần hàng Việt.

Để quảng bá sản phẩm Việt, Tập đoàn AEON đã bố trí 50 gian hàng tại sảnh Kino Hiroba của Trung tâm thương mại AEON tại Nhật Bản, gồm 8 gian hàng chung trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, sản phẩm đặc sản các địa phương, sản phẩm thương hiệu quốc gia; gian hàng hoa quả Việt Nam; gian hàng của các doanh nghiệp...

Để tăng cường quảng bá sản phẩm, tạo sự hấp dẫn, cũng như thu hút sự chú ý người tiêu dùng, Trung tâm cũng thiết kế, trang trí thêm cho các gian hàng thông qua các poster, standy giới thiệu hình ảnh sản phẩm, du lịch... Đặc biệt, trong Tuần lễ hàng Việt Nam Nam có tới hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham dự.

Cơ hội nhiều, thách thức không nhỏ

Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối bắt đầu sôi động khi nhiều nhà phân phối hàng đầu thế giới bày tỏ sự quan tâm và dự định đầu tư. Điển hình là các doanh nghiệp châu Âu như tập đoàn Bourbon (Pháp), Metro (Đức)…

Doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu tiếp cận trực tiếp nhằm đưa hàng vào các hệ thống này.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài nhìn lại, hầu hết sản phẩm Việt Nam góp mặt tại các hệ thống này đều phải qua rất nhiều khâu trung gian. Điều này khiến sức cạnh tranh của hàng hoá bị giảm đáng kể do giá thành đến tay người tiêu dùng tăng cao với giá trị thực tế.

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hành trình đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào hệ thống phân phối ngoại còn gian nan gấp nhiều lần do hạn chế về mẫu mã, chứng nhận chất lượng…

Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết dù chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong nước đang được cải thiện rõ rệt so với trước đây nhưng nhìn nhung, vấn đề nguồn hàng ổn định, phong phú chủng loại và kiểm soát tốt chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại còn không ít hạn chế.

Một doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Thái Lan đã đưa được sản phẩm vào mạng lưới phân phối quốc tế, trong khi hàng hoá Việt Nam đa dạng nhưng chỉ dừng lại ở việc thông qua đại lý. Nếu thông qua càng nhiều khâu trung gian, doanh nghiệp càng thiệt thòi do không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, không phát triển được thương hiệu…

Theo phân tích của một số doanh nghiệp, nguyên nhân vấn đề này xuất phát từ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối nước ngoài còn nhiều bất cập.

Điển hình như ngoài những yếu tố khách quan từ phía nhà cung cấp thì quy trình và chính sách thu mua hàng hoá của đơn vị phân phối cũng chưa minh bạch, chưa tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm.

Bà Nguyễn Mai Anh cho rằng, để tiếp tục phát triển kênh xuất khẩu mới cho hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp rút ngắn các khâu trung gian, đưa sản phẩm Việt Nam từ khâu sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở các nước, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội sẽ tổ chức Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội định kỳ hàng năm.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các Vụ thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ khác như: xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ đào tạo quản lý chất lượng, kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài…

Mục tiêu trước mắt là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam và tập trung vào những nhóm sản phẩm thế mạnh như dệt may, sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ - quà tặng, đặc sản vùng miền…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục