Masan chi 110 triệu USD mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long

13:25' - 10/02/2022
BNEWS Trong tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long. Qua đó, Masan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn Masan vừa công bố, trong tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long. Qua đó, Masan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51%.

Thương vụ này, Masan đã đầu tư 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.

 

Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan.

Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2,5 đến 3 nghìn tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WinCommerce (WCM) cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.

Theo Masan, nối tiếp thành công bước đầu của việc triển khai kiosk Phúc Long tại các điểm bán thuộc WCM, Masan đã tăng tốc chiến lược Point of Life bằng cách xây dựng và thí điểm mini-mall, mô hình phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (bao gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, sản phẩm tài chính và dịch vụ giải trí, viễn thông chiếm 60-80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt) trên một hệ sinh thái tích hợp từ offline đến online. 

Với các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, Masan tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, sau khi sở hữu cổ phần kiểm soát Công ty cổ phần Mobicast (Mobicast), công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động, Masan đã triển khai thí điểm các gói dữ liệu viễn thông mang thương hiệu “Reddi” tại một số điểm bán thuộc WCM và dự kiến mở rộng ra khắp toàn quốc trong năm 2022. 

Mobicast là mảnh ghép chính để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Chương trình sẽ giúp khách hàng thân thiết tận hưởng các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan. Trong năm 2022, Reddi đặt mục tiêu sẽ thu hút 500.000 – 1.000.000 thuê bao.

Qua đó, The CrownX đã tiến xa hơn khi xây dựng mô hình mini-mall, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một điểm phục vụ duy nhất. 

Năm 2022, The CrownX đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có của WCM.

Trong năm 2022, Masan đặt mục tiêu triển khai các sản phẩm viễn thông trong các cửa hàng - siêu thị WCM trên toàn quốc nhờ vào các hoạt động truyền thông tiếp thị, cải thiện nội dung và trải nghiệm người dùng trên ứng dụng Reddi, đồng thời duy trì chi phí thu hút khách hàng mới ở mức thấp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: Trong năm qua, Masan không ngừng tích hợp các mảnh ghép chiến lược và hoàn thiện mô hình bán lẻ mini-mall, sẵn sàng để nhân rộng trên toàn quốc. Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ hàng đầu. 

Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) để nâng cao hiểu biết về khách hàng nhằm phục vụ các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. 

"Chúng tôi hướng đến xây dựng một nền tảng công nghệ tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời mang đến lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng, cổ đông và đối tác.” - ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục