Masan hoàn chỉnh những mảnh ghép còn thiếu thông qua M&A

10:03' - 06/02/2021
BNEWS Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã tận dụng thời cơ, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A), từ đó tạo “cú hích” thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2020, hoạt động của các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã tận dụng thời cơ, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A), từ đó tạo “cú hích” thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các thương vụ M&A không chỉ giúp định hình lại năng lực tài chính của doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội mới cho các bên tham gia. Có những thương vụ giúp sinh ra lợi nhuận ngay lập tức, nhưng cũng những thương vụ giúp tạo tiền đề cho tương lai.

* Công cụ để hoàn chỉnh những mảnh ghép còn thiếu

Bên cạnh đó, M&A cũng được xem như một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp hoàn chỉnh những mảnh ghép còn thiếu. Ở trường hợp của Masan, đó là mục tiêu trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline.

Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực M&A, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, cuối năm 2019, doanh nghiệp hợp tác cùng Vingroup để phát triển chuỗi Vinmart - một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam.

Hiện 90% giá trị bán lẻ đều thông qua mua bán kỹ thuật số, thương mại, còn khoảng 10% cũng ngày càng phát triển mạnh hơn về thương mại điện tử, chuyển từ mua bán truyền thống mở rộng sang kênh online.

Doanh nghiệp luôn chú trọng vào người tiêu dùng và tiêu dùng nội địa, hiện chiếm 50% thị phần và không ngừng thực hiện đổi mới sáng tạo giải pháp phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Khoảng 25 năm trước tại Việt Nam, Masan chỉ tập chung vào thức ăn gia vị, sau đó doanh nghiệp nhìn thấy nhiều tiềm năng khác như hàng tiêu dùng nhanh nên phát triển thêm ngành thức ăn gia vị mì, thức uống...

Masan đã phát triển mở rộng theo chiều ngang với những mặt hàng khác nhau dựa vào khả năng đánh giá và tín hiệu của thị trường. Còn theo chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.

Doanh nghiệp không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn. Những chiến lược này ngoài thực hiện ở Việt Nam, mà còn triển khai ở những thị trường khác như châu Âu.

Tập đoàn Masan được vinh danh là công ty có Thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2019-2020.

Thực tế, dù dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhưng Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết, khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Masan.

Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Một thương vụ điển hình tốn nhiều giấy mực của báo giới đó là vào ngày 3/12/2019, Tập đoàn Masan và Vingroup đã thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holdings để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Việc sáp nhập này đã biến doanh thu mảng hàng tiêu dùng của Masan đạt tới hàng tỷ USD. Cụ thể, giai đoạn tháng 1-9/2020, VinCommerce đóng góp 23.678 tỷ đồng doanh thu, tức vượt 1 tỷ USD và chiếm 42,5% tổng doanh thu hơn 55.600 tỷ đồng của toàn hệ thống Masan.

Đến tháng 2/2020, Masan HPC - một công ty thành viên do Masan sở hữu 100% vốn đã mua thành công 52% cổ phần của Công ty cổ phần bột giặt Net (NETCO). Thông qua NETCO, Masan chính thức "tấn công" mảng chăm sóc cá nhân và gia đình, một thị trường có giá trị khoảng 3,1 tỷ USD.

Sau khi sáp nhập với Masan, NETCO tăng trưởng rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn tháng 1-9/2020, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.109 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng.

Trong ngành khai khoáng, Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán: MSR), là công ty con của Tập đoàn Masan đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C. Starck vào tháng 6/2020. Giao dịch là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR nhằm trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới.

Mặc dù giá Vonfram trung bình 9 tháng năm 2020 đạt 222 USD /mtu, giảm 6% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng vonfram của MSR tăng mạnh, đạt 6,197 tấn nhờ hợp nhất H.C.Stark dẫn đến doanh thu từ Vonfram tăng mạnh.

Trong quý III/2020, Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML) cũng là công ty con của Tập đoàn Masan đã thâu tóm 51% cổ phần Công ty 3F VIỆT - doanh nghiệp nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm hàng đầu. Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc nắm giữ 51% cổ phần của 3F có thể đóng góp tới hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn Masan.

Không chỉ mua thêm các mảng kinh doanh, Tập đoàn Masan cũng thực hiện bán vốn cho các đối tác chiến lược.

Theo đó, Masan công bố bán 10% vốn công ty khoáng sản là CTCP Masan High-tech Materials cho Công ty Mitsubishi Materials Nhật Bản với tổng giá trị thu về 2.094 tỷ đồng.

Thương vụ này là một phần trong cam kết thiết lập liên minh chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu Vonfram công nghệ cao. Việc này sẽ giúp cho MSR tiếp cận thị trường hạ nguồn của sản phẩm khai khoáng gồm Vonfram, đồng…

Bên cạnh đó, trong tháng 10/2020, Tập đoàn Masan thông báo khánh thành nhà máy thịt mát và chế biến thịt thứ 2 tại Long An, nâng tổng công suất của MML lên 1,7 triệu con lợn, tương đương 170.000 tấn thịt mát hàng năm. Nhà máy dự kiến sẽ cung cấp các sản phẩm thịt mát cho khu vực Nam Bộ trong thời gian ngắn với chi phí thấp nhất.

* "Trái ngọt" từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh

Nhờ liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua hoạt động M&A nên quý IV/2020 và cả năm 2020, doanh thu của Tập đoàn Masan tăng gấp đôi so với năm 2019.

Kết thúc năm tài chính 2020, Tập đoàn đạt doanh thu 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức doanh thu 37.354 tỷ đồng của năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông đạt 265 tỷ đồng trong quý IV/2020 và 1.234 tỷ đồng trong cả năm 2020.

Đặc biệt, hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM), quản lý chuỗi siêu thị Vinmart, lần đầu tiên có lợi nhuận, dù rất khiêm tốn là 16 tỷ đồng và lần đầu có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương. 

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho biết nền tảng bán lẻ tiêu dùng CrownX đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi. Crown X, công ty nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consummer Holdings, đã vươn lên vị trí số 2 trong số các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng với doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trong năm 2020.

Theo Tập đoàn Masan, doanh thu trên mỗi m2 của hệ thống siêu thị mini Vinmart + tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% trong năm 2020, dự kiến sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2021.

Thực tế, tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2020 của Masan Group dựa vào sự tăng tốc của mảng kinh doanh thịt, hàng tiêu dùng cũng như việc hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

Mảng kinh doanh thịt do Công ty Masan MEATLife – MML đảm nhiệm có doanh thu 4.707 tỷ đồng trong quý IV/2020, lũy kế cả năm mảng này đạt 16.119 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với năm 2019.

Trong quý IV, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia cầm của MML cũng tăng trưởng 30%. 

Mảng ngành hàng tiêu dùng do Công ty Masan Consumer Holdings – MCH đảm nhiệm lần đầu tiên cán mốc doanh thủ 1 tỷ USD trong năm 2020.

Mảng khai khoáng trước đây được chuyển đổi sang mảng vật liệu công nghệ cao do Công ty Masan High-Tech Materials – MHT đảm nhiệm có doanh thu tăng trưởng 131% trong quý IV và 58% cả năm 2020 nhờ hợp nhất nền tảng kinh doanh của Tập đoàn H.C.Stack của Đức.

Ngân hàng Techcombank mà Masan đang là cổ đông lớn nhất với 15% cổ phần đạt mức lợi nhuận sau thuế 15.800 tỷ đồng. Trong khi năm 2019 con số lợi nhuận của ngân hàng này chỉ là 12.838 tỷ đồng.

Với nền móng đạt được trong năm 2020, đến năm 2021, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng từ 20-40%. Mục tiêu này dựa trên mức dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ của The CrownX; mảng kinh doanh thịt tăng tốc, dự kiến đóng góp từ 20 - 40% doanh thu của MML và hợp nhất nền tảng HCS và MMC với giá cả hàng hóa được cải thiện.

Đồng thời, MSN cũng đặt mục tiêu biên EBITDA từ 15 - 20% và biên lợi nhuận thuần từ 3-5% nhờ vào VCM đạt biên EBITDA dương, và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục cải thiện biên EBITDA. Bên cạnh đó là tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận từ việc giảm nợ vay thông qua tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chiến lược./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục