Masan đặt mục tiêu tăng trưởng từ 20-40% trong năm 2021

20:18' - 29/01/2021
BNEWS Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng mạnh mẽ của The CrownX; mảng kinh doanh thịt tăng tốc, dự kiến đóng góp từ 20 – 40% doanh thu của MML và hợp nhất nền tảng HCS và MMC với giá hàng hóa cải thiện.

Ngày 29/1, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố kết quả kinh doanh Quý IV và năm tài chính 2020.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của MSN đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với năm 2019 và lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Masan đạt 265 tỷ đồng trong Quý IV năm và 1.234 tỷ đồng trong năm 2020.

Hoàn thành mục tiêu tài chính năm 2020

Với kết quả đạt được như trên, MSN đã hoàn thành mục tiêu tài chính đề ra tại Đại hội cổ đồng thường niên 2020 là doanh thu thuần đạt từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng và lợi nhuận từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng.

Theo MSN, tăng trưởng doanh thu ấn tượng được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại ở mức hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt và hàng tiêu dùng có thương hiệu và việc hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 của MSN, Công ty The CrownX (Công ty nắm giữ lợi ích của MSN tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings) đã vươn lên trở thành công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng đứng thứ 2 về doanh thu tại Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2020, The CrownX đã đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD).

Đáng chú ý, trong Quý IV/2020, VinCommerce (VCM) đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi, với lợi nhuận 16 tỷ đồng. Biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của VCM liên tục được cải thiện.

Trong Quý IV, các siêu thị mini VinMart+ và siêu thị VinMart đạt biên EBITDA dương lần lượt là 4,1% and 2,8% trên cơ sở so sánh tương đương, không bao gồm chi phí chung ở cấp cửa hàng. Doanh thu/m2 của VinMart+ tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% vào năm 2020, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2021.

Bên cạnh đó, Masan Consumer Holdings (MCH) cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi doanh thu thuần lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2020. Doanh thu thuần và EBITDA tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019.

Tăng trưởng hơn 20% trong 4 quý liên tiếp nhờ vào khả năng đổi mới sáng tạo và đầu tư vào thương hiệu. Các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của MCH trong năm 2020, đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng hai chữ số trong trung hạn.

Đối với Masan MEATLife (MML), mảng kinh doanh thịt tích hợp bao gồm chuỗi cung ứng trang trại của MML mang lại doanh thu thuần 2.378 tỷ đồng trong năm 2020, đóng góp 15% vào doanh thu thuần hợp nhất của MML, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Doanh thu thuần năm 2020 của MML tăng 16,8% lên 16.119 tỷ đồng, biên EBITDA năm 2020 đạt mức 11,7%.

Đặc biệt, trong Quý IV/2020, MML đầu tư góp vốn 51% và tích hợp thành công 3F VIET, công ty cung cấp sản phẩm thịt gia cầm có thương hiệu hàng đầu ở thị trường nội địa. Đây là thương vụ sáp nhập nằm trong chiến lược mở rộng danh mục kinh doanh đạm động vật của MML nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đạm động vật đa dạng của người tiêu dùng.

Năm 2020, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng ổn định ở mức 2,8% lên 13.746 tỷ đồng, biên EBITDA cả năm đạt mức 12,5% với định hướng của Ban Điều Hành tập trung thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Theo MML, ngành chăn nuôi bước đầu hồi phục, thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia cầm của MML tăng trưởng 30% trong Quý IV/2020. Nhìn chung, mảng thức ăn chăn nuôi của MML đã tăng trưởng 13,5% so với quý trước.

Trong khi đó, Masan High-Tech Materials (MHT) đã hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nền tảng vật liệu công nghiệp công nghệ cao toàn cầu với việc mua lại mảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn H.C. Starck ("HCS").

Thỏa thuận đầu tư trị giá 90 triệu USD của Mitsubishi Materials Corporation vào MHT (tương ứng 10,0% vốn cổ phần pha loãng hoàn toàn) càng củng cố hơn nữa chiến lược này. Qua đó, doanh thu thuần tăng trưởng 57,8% chủ yếu nhờ vào hợp nhất HCS vào tháng 6/2020 biên EBITDA đạt 19,3% cho năm tài chính 2020.

So với năm 2019, EBITDA của MHT năm 2020 giảm 23,8% xuống còn 1.433 tỷ đồng do nhu cầu trên toàn chuỗi giá trị vonfram sụt giảm bởi những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, Ban Điều Hành đã hợp lý hóa chi phí hoạt động khoảng 530 tỷ đồng vào năm 2020 và sẽ tiếp tục hợp lý hóa chi phí vào năm 2021.

Đánh giá về kết quả trong năm 2020 của MSN, Chủ tịch HĐQT Masan Group, Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Nền tảng tiêu dùng bán lẻ The CrownX đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi. Quý IV, VinCommerce đã đạt mức EBITDA dương; trong khi đó, MCH tăng tưởng doanh thu gần 30% nhờ vào khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và thế mạnh xây dựng thương hiệu.

Năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VCM từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline.

"Chúng tôi gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ. Từ nền tảng vững chắc đã được thiết lập, 2021 là năm bản lề để chúng tôi hiện thực hóa tầm nhìn này." - ông chủ Masan nhấn mạnh.

Tăng trưởng từ 20 - 40% trong năm 2021

Năm 2021, MSN đặt mục tiêu tăng trưởng từ 20-40%. Mục tiêu này dựa trên mức tăng trưởng mạnh mẽ của The CrownX; mảng kinh doanh thịt tăng tốc, dự kiến đóng góp từ 20 – 40% doanh thu của MML và hợp nhất nền tảng HCS và MMC với giá cả hàng hóa được cải thiện.

Đồng thời, MSN cũng đặt mục tiêu biên EBITDA từ 15 - 20% và biên lợi nhuận thuần từ 3-5% nhờ vào VCM đạt biên EBITDA dương, và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục cải thiện biên EBITDA. Tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận từ việc giảm nợ vay thông qua tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, VCM cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến tăng 15 - 20% do tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu, mở rộng hệ thống cửa hàng minimart và tái định vị mô hình siêu thị VinMart.

Đối với MCH, doanh thu thuần dự kiến tăng 15 - 20% nhờ vào các phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm và mở rộng quy mô ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Biên EBITDA dự kiến giữ ổn định do công ty đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá phát kiến mới.

MML cũng đưa ra mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng từ 25 - 50% nhờ mảng kinh doanh thịt tiếp tục mở rộng quy mô. Doanh thu của mảng kinh doanh thịt dự kiến đóng góp 20 - 40% vào tổng doanh thu của MML, được thúc đẩy bởi khả năng thâm nhập thị trường sâu hơn của thịt mát (gồm thịt heo và thịt gia cầm) và mở rộng danh mục thịt chế biến. Biên EBITDA của mảng thịt được cải thiện nhờ vào các động lực kể trên, mảng thức ăn chăn nuôi duy trì biên EBITDA từ 10 - 12%.

Còn đối với MHT, doanh thu thuần tăng trưởng từ 50 – 100% từ việc sáp nhập HCS và triển vọng thị trường hàng hóa dần khởi sắc. Biên EBITDA được cải thiện nhờ vào các động lực kể trên cùng với sở hữu chuỗi cung ứng linh hoạt./.

>>MML tăng sản lượng thịt lợn phục vụ thị trường Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục