Mặt bằng bản lẻ gặp khó, thương mại điện tử được thúc đẩy

16:10' - 10/07/2020
BNEWS Mặc dù công suất thuê tại các trung tâm thương mại vẫn ở mức cao nhưng số lượng gian hàng trống vẫn tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới. Trong khi đó, thương mại điện tử được thúc đẩy.
Ông Lê Tuấn Bình - Trưởng Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, mặc dù công suất thuê tại các trung tâm thương mại vẫn ở mức cao do các thương hiệu lớn thường được trang bị tốt hơn để ứng phó với khủng hoảng, đồng thời tránh bị mất tiền đặt cọc và rủi ro pháp lý khác nhưng số lượng gian hàng trống vẫn tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới.

Với giá thuê chiếm đến 50% tổng chi phí hoạt động, bán lẻ mặt phố đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những nhà bán lẻ sở hữu cửa hàng ở cả trung tâm thương mại và mặt phố thường lựa chọn đóng cửa hàng trên phố trước tiên.

Tuy lĩnh vực bán lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều cơ hội. Việc phản ứng linh hoạt, thực hành kinh doanh thích ứng và lập ra các kế hoạch lâu dài là điều cần thiết ngay lúc này – ông Bình nhận xét.

Theo ông Bình, việc đưa ra quyết định thuê mới mặt bằng gần như sẽ chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 khi thị trường rõ ràng hơn về khả năng phục hồi. Hiện tại, các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào việc đàm phán lại với chủ nhà về điều kiện thuê cũng như các phương án hỗ trợ.

Sau giai đoạn “bình thường mới”, các mặt bằng bán lẻ đứng trước cơ hội lớn để tự điều chỉnh về chỉ số của thị trường như giá thuê, cung, cầu… Đây cũng là cơ hội để cho các nhà bán lẻ tiếp cận với những “vị trí vàng” mà trước đây chưa bao giờ được chào trên thị trường với mức giá hợp lý hơn - ông Bình gợi ý.

Do không có dự án mới được giới thiệu ra thị trường trong quý I/2020 nên nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ 1,6 triệu m2 với các khu trung tâm mua sắm chiếm 57%. Các dự án không trực thuộc khu vực thương mại tại vị trí trung tâm chứng kiến mức độ giảm mạnh hơn cả về giá thuê lẫn công suất thuê.

Hiện nhiều khách thuê gặp khó khăn đang đề xuất trợ giúp từ phía chủ nhà với các biện pháp hỗ trợ đặc biệt để vượt khó qua đại dịch. Một số đề xuất miễn phí mặt bằng trong thời gian đóng cửa do dịch bệnh và giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong vòng ba đến 12 tháng.

Nhiều khách thuê cho biết họ đang tích cực đàm phán giảm chi phí một số hạng mục kinh doanh. Một số khác quyết định sẽ không gia hạn hợp đồng thuê… Khảo sát của Savills cho thấy 57% khách thuê có mong muốn giảm 50% chi phí thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê.

Chuyên gia của Savills chia sẻ, phản ứng của chủ nhà đối với các đề xuất rất đa dạng. Những chủ nhà có quy mô kinh doanh lớn đã đi trước một bước khi quyết định giảm đến 50%, hoặc thậm chí miễn phí tiền thuê, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hay chuyển sang hình thức thanh toán theo tháng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các yêu cầu này đã được xử lý tùy theo từng trường hợp. Những chủ nhà có quy mô nhỏ đang giữ thái độ chờ đợi, nhưng phần lớn đều có ý định giảm tiền thuê xuống khoảng 30%.

Ở một góc nhìn khác, trong 2 quý đầu của năm 2020, doanh số bán lẻ tại thị trường Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh do nguồn cầu lớn với nhu yếu phẩm và doanh thu tích cực từ thương mại điện tử.

Các chuyên gia nhận định, thương mại điện tử sẽ bùng nổ với thị phần mở rộng sau khi khủng hoảng được kiềm tỏa hoặc kết thúc. Hoạt động mua sắm tại các cửa hàng ngày càng ít đi trong khi người mua tích cực tích trữ đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen từ việc mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng mặt phố sang các đại siêu thị, siêu thị vừa và nhỏ.

Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đang được đẩy mạnh khi các nhà bán lẻ thương mại chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 30%.

Khảo sát của Savills cho thấy, 28% các nhà bán lẻ đang phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến và 28% khác đã chuyển sang kinh doanh trực tuyến hoàn toàn. Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tại nhà vẫn tiếp tục tăng trưởng bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu đến tâm lý người tiêu dùng và hành vi mua hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục