Dịch COVID-19: Bất động sản cho thuê gặp khó

17:03' - 11/03/2020
BNEWS Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 đang tác động rất lớn đến hoạt động cho thuê bất động sản từ văn phòng, trung tâm thương mại cho đến phân khúc nhà hàng, cửa hàng kinh doanh...
Dịch bệnh COVID-19 đang tác động rất lớn đến hoạt động cho thuê bất động sản. Ảnh minh họa: TTXVN

Vào cuối năm 2019, Công ty JLL nhận định, giá thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất thập kỷ. Cụ thể, giá thuê tăng 7,4% theo năm và tăng 1,1% theo quý, đạt mức cao kỷ lục với 29,1 USD/m2.

Nguyên nhân được chỉ ra do nhu cầu về thị trường văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, trong khi nguồn cung mới hạn chế nên các chủ nhà thường đề xuất giá chào thuê khá cao.

Thế nhưng, ở thời điểm này, ngoài phần diện tích cho thuê ổn định từ trước đó thì các dự án mới tung hàng đều gặp khó do nguồn cầu giảm sút đáng kể.

Nói về tác động của dịch bệnh đến thị trường bất động sản cho thuê, ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, giá thuê sắp tới có thể thay đổi dựa vào điều kiện của thị trường.

Vận đen cho thị trường văn phòng ở khu vực châu Á là dịch COVID-19 ập đến giữa lúc thị trường có dấu hiệu suy yếu và giá cho thuê đi xuống.

Chia sẻ khó khăn với khách thuê bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều “chủ đất” ở Hong Kong (Trung Quốc) đã mạnh tay cắt giảm 30 - 50% giá thuê thương mại.

Theo Công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, tại Bắc Kinh, phí thuê văn phòng trong tháng 2 giảm tới 50% cho doanh nghiệp nhỏ.

Dù chưa đến mức lao đao như một số thị trường văn phòng cho thuê tại châu Á, song “cơn lốc” COVID-19 cũng khiến các thành viên của thị trường văn phòng cho thuê tại Việt Nam phải xem lại mình và có kế hoạch ứng biến – chuyên gia này khuyến cáo.

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL nhận xét, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường nên còn sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và trung hạn của dịch bệnh tới thị trường văn phòng cho thuê.

Tuy nhiên, theo bà Trang, doanh nghiệp cần phải tính đến phương án yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc không gian khác.

Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự năng động của một số ngành công nghiệp, dẫn đến việc trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi và mở rộng văn phòng.

Không chỉ riêng phân khúc văn phòng một số nơi như Thành phố Hồ Chí Minh có giá thuê cao mà sàn thương mại cũng vậy.

Do đó, các chủ đầu tư cho thuê diện tích kinh doanh thương mại cũng cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia từng cảnh báo về tốc độ tăng giá nhà tại địa phương này đã tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến mặt bằng kinh doanh bị đẩy lên cao làm tăng chi phí cho người thuê. Sức chịu đựng của các nhà kinh doanh càng trở nên mong manh và dễ bị “sốc” trước tác động của nền kinh tế.

Trước thực trạng nhiều khách thuê đang gặp khó vì kinh doanh ế ẩm giữa mùa dịch, một số chủ đầu tư đã có động thái giảm giá mặt bằng hỗ trợ. Theo thống kê của một đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị trong đợt dịch COVID-19 giảm từ 40-50% so với thời điếm dịch bệnh chưa bùng phát.

Cùng đó, lượng khách của các cửa hàng ăn uống cũng giảm 20-30% vào ngày thường; thậm chí giảm 50% vào dịp cuối tuần. Điều này khiến doanh thu tại các trung tâm thương mại giảm tới 40%.

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Retail, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail - chủ đầu tư các trung tâm thương mại Moonlight Plaza (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức), Saigon Mia (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), Vung Tau Melody (phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tàu) đã chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm trong khoảng từ 20% đến 40% giá thuê, thậm chí có thể nhiều hơn. Thời gian hỗ trợ sẽ được sắp xếp tùy thuộc vào diễn biễn dịch bệnh. Đây là hành động nhỏ nhưng thiết thực để cùng đối tác vững tâm, ổn định kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Bình chia sẻ.

Không chỉ các trung tâm thương mại hỗ trợ khách hàng mà ngay cả các chủ nhà có cửa hàng mặt phố cho thuê cũng chia sẻ gánh nặng này với khách thuê.

Bà Nguyễn Thị Uyển có căn nhà cho thuê tại mặt phố Hàng Trống (Hà Nội) cho biết, hồi dịch SARS năm 2003 bà cũng từng giảm giá cho khách thuê bởi dịch bệnh khiến cửa hàng vắng khách.

Nay căn nhà này được bà Uyển cho khách thuê mới để mở trung tâm spa và chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài.

Trước tác động của dịch bệnh, lượng khách vắng và cửa hàng thậm chí phải đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng dịch, bà Uyển lại một lần nữa không ngại ngần chia sẻ những khó khăn với khách thuê. Hiện giá thuê đang được bà cân nhắc giảm khoảng 1/5 mỗi tháng.

Trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng ngày càng cao đã trở thành thách thức lớn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính cũng như sự tồn tại của nhiều khách thuê. Ở thời điểm này, sự hỗ trợ của chủ đầu tư đặc biệt quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục