BNEWS
Nhiều công ty hoạt động theo hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo đã đến Đắk Nông lôi kéo người dân tham gia huy động tiền để hưởng lãi suất cao.
Lợi dụng lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều công ty hoạt động theo hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo đã đến xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông lôi kéo người dân tham gia huy động tiền để hưởng lãi suất cao.
Chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh, đồng thời tuyên truyền khuyến cáo người dân nên cẩn trọng để không bị thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Ông Đinh Văn Bào, thôn Đắk Cao, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô cho biết, thông qua bạn bè chia sẻ, xem các video trên mạng và 2 lần được mời đi dự hội thảo tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từ tháng 5/2018, gia đình ông đã quyết định “đầu tư” hơn 300 triệu đồng để mua các "gói" tiêu dùng của Công ty Tập đoàn Dự án Hoàng Gia (có Văn phòng tại tỉnh Đắk Lắk).
Đây là số tiền gia đình đã tích lũy từ trước đến nay. “Bây giờ hai vợ chồng đã già, đất đai chia hết cho các con nên đầu tư vào đây, hàng tháng có tiền lãi về để trang trải cuộc sống”, ông Bào nói. Ban đầu, ông mua "gói" 48 triệu đồng, sau đó thấy công ty chuyển tiền về đều đặn nên ông đã mua thêm 2 "gói", mỗi "gói" 132 triệu đồng.
Tiền gốc và tiền lãi được phân kỳ trả theo từng gói, cứ khoảng 23 đến 28 ngày, công ty chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho ông.
Chẳng hạn "gói" 132 triệu đồng, sẽ được phân làm 20 chu kỳ ngoài tiền gốc 5,5 triệu đồng, ông nhận thêm hơn 4, 9 triệu đồng tiền lãi. Với số tiền “đầu tư” hiện nay, mỗi tháng ông Bào hưởng gần 14 triệu đồng tiền lãi.
Ông Bào cũng tư vấn cho nhiều người tham gia mua các "gói" tiêu dùng của Công ty Tập đoàn Dự án Hoàng Gia.
Ngoài ra, ông còn mua thêm 1 mã tiền ảo của Công ty IROBOT TRADE Bình Dương, với giá 12 triệu đồng. Khi được hỏi về mức độ rủi ro khi đầu tư vào những công ty trên, ông Bào “tự tin” là mình đã tìm hiểu rất kỹ .
Tại thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, nhiều hộ đã tham gia đầu tư vào Công ty IROBOT TRADE Bình Dương. Hộ đóng ít nhất là 12 triệu đồng, hộ đóng nhiều nhất là 78 triệu đồng. Sau khi đóng tiền người tham gia sẽ được cấp một tài khoản, mật khẩu để theo dõi.
Tiền lãi sẽ được trả vào tài khoản theo ngày và khi nào đủ 50 đô la trở lên mới được đổi ra tiền Việt Nam để rút. Gia đình chị Đàm Thị Huyền, thôn Nam Cao tham gia “đầu tư” vào Công ty IROBOT TRADE Bình Dương với "gói" 12 triệu đồng.
Theo chị Huyền, việc tham gia đầu tư là do người thân của chị giới thiệu, còn bản thân chị thì gần như “mù tịt” thông tin về công ty này. Chị Huyền chỉ biết công ty "mẹ" có trụ sở ở bên Mỹ và trả lãi theo ngày bằng tiền đô la.
Sau khi góp vốn, mỗi ngày tài khoản của chị Huyền nhận được 2 – 5 đô la tiền lãi. Tuy nhiên, đến khi được khoảng 80 đô la tiền lãi thì bỗng dưng tiền trong tài khoản mất sạch.
Do gia đình can ngăn nên chị đã chuyển nhượng tài khoản cho một người khác. “Tôi không biết công ty sản xuất kinh doanh như thế nào nhưng thấy họ trả lãi suất cao nên góp vốn vào”, chị Huyền cho biết.
Theo báo cáo của UBND xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, khoảng từ ngày 20/8 trở lại đây trên địa bàn xã xuất hiện nhóm người của Công ty IROBOT TRADE Bình Dương và Công ty Tập đoàn Dự án Hoàng Gia (trụ sở tại Đắk Lắk) đến 2 thôn Nam Cao và Đắk Cao, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lôi kéo các hộ dân tham gia huy động tiền hưởng lãi suất cao theo hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo.
Theo thống kê đã có 8 hộ dân tham gia, trong đó hộ tham gia đóng ít nhất là 12 triệu đồng, hộ nhiều nhất khoảng hơn 300 triệu đồng. Số tiền lãi mà công ty trả qua tài khoản cho những người tham gia là tiền ảo, không rút được, một số hộ dân đã liên lạc nhưng công ty không nghe máy.
Theo ông Nguyễn Viết Nghĩa, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Sôr, nhóm người của các công ty này đến địa bàn không thông qua chính quyền địa phương mà “lén lút” tổ chức gặp mặt, tổ chức hội nghị, hội thảo, đưa đi tham quan du lịch để lôi kéo người dân tham gia.
Các hộ “đầu tư” góp vốn nhận lãi suất cao chủ yếu làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế không mấy dư giả. “Quyền quyết định đầu tư là của người dân nhưng nếu đổ bể thì không những người dân bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị ở địa phương”, ông Nghĩa lo ngại.
Vì vậy, sau khi có thông tin về sự việc trên, UBND xã đã nắm bắt hoạt động của các công ty trên địa bàn và báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết.
Ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của xã, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện xuống xác minh thông tin. Sau khi nghe lực lượng chức năng xuống thì các công ty đã rút khỏi địa phương.
Nhận định đây là hình thức huy động vốn của người dân để trục lợi và rất có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể liên quan xuống phối hợp với xã để tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không để mắc mưu, bị kẻ xấu lợi dụng.
Hiện nay, nhận thức người dân ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Vì vậy, UBND huyện khuyến cáo người dân khi có các đơn vị đến địa phương tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan đến việc “đầu tư” để hưởng lãi suất cao cần báo cáo với chính quyền địa phương để có những thông tin chính thống để tránh bị trục lợi, gây những hậu quả đáng tiếc./.