Mâu thuẫn giữa Anh và Nga về vấn đề tấn công mạng

06:30' - 26/04/2018
BNEWS Thời gian sắp tới, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đưa ra thông tin chi tiết về các lệnh trừng phạt mới chống lại giới tinh hoa Nga.
Mâu thuẫn giữa Anh và Nga về vấn đề tấn công mạng. Ảnh: Reuters

Báo Độc lập (Nga) trích nguồn tin riêng cho biết cộng đồng tình báo Anh đã thông qua các biện pháp đẩy lùi các cuộc tấn công mạng tiềm tàng từ phía Nga. Cuộc đối đầu giữa Moskva và London sẽ gia tăng căng thẳng không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Cộng đồng tình báo Anh đưa ra hai kịch bản tấn công được cho là Moskva đang lên kế hoạch chuẩn bị.

Thứ nhất, các đại diện an ninh gần gũi với Điện Kremlin khẳng định rằng các tin tặc có thể công khai những tư liệu có ảnh hưởng tới các chính trị gia của Anh. Thủ tướng May và một vài Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội đã nhận được cảnh báo về mối đe dọa này.

Theo đại diện an ninh của Anh, nhiều tin tặc Nga đã bị kết án vì tội danh công khai những sự kiện không mấy tốt đẹp về các chính trị gia phương Tây. Ví dụ, hồi năm 2016, Moskva bị cáo buộc đã đưa ra những thông tin nhằm hạ uy tín của bà Hillary Clinton - đối thủ chính của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. 

Thứ hai, mối đe dọa khác lớn hơn từ phía Nga có liên quan đến các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Anh. Đặc biệt, giới an ninh của Anh không loại trừ khả năng các tin tặc có thể cố gắng vô hiệu hóa hệ thống năng lượng quốc gia hay các thiết bị sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe. 

Nguồn tin trong cơ quan tình báo Anh cho biết: “Có khả năng, họ (Nga) sẽ có những biện pháp gây thiệt hại nghiêm trọng cho chúng ta.

Tuy nhiên, nếu họ quyết định thực hiện những bước đi xâm lược như vậy thì chúng ta cũng sẵn sàng đáp trả”, đồng thời khẳng định “khác với Nga, Anh sẽ hành động một cách tương xứng và trong khuôn khổ pháp luật”.

Những cáo buộc về việc Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mạng xuất hiện vào thời điểm mà mối quan hệ giữa Moskva và London ở mức thấp nhất.

Hồi tháng 3/2018, Thủ tướng May đã cáo buộc chính quyền Nga đầu độc cựu Đại tá Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU), điệp viên hai mang Sergei Skripal, và con gái Julia của ông này.

Hồi cuối tuần trước, Anh cùng với Mỹ và Pháp đã tiến hành bắn tên lửa vào lãnh thổ Syria - hành động được Moskva coi là trái với luật pháp quốc tế.

Trong tương lai gần, những mâu thuẫn giữa Anh và Nga có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày 15/4, bà May đã tuyên bố về dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Theo bà May, gói các biện pháp hạn chế tiếp theo sẽ nhắm tới các doanh nhân gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, những người nắm giữ các khoản “tích lũy tài chính tiết kiệm không công bằng” ở London. Những thông tin chi tiết hơn về nội dung các biện pháp trừng phạt này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Trước đó, Báo Độc lập cũng đã có bài viết về nguy cơ các cuộc xung đột “lai ghép” giữa Nga và phương Tây. Các nhà phân tích nêu rõ nguyên nhân gây ra các nguy cơ xung đột trên là do thiếu các quy tắc rõ ràng của luật chơi và không có các kênh bí mật để các bên có thể sử dụng chúng trong trường hợp xảy ra xung đột bất ngờ.

Hồi năm 2016, nhà nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) Sarah Lane và Tổng giám đốc của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RCMD) Andrey Kortunov đã bày tỏ ủng hộ việc thiết lập các kênh nêu trên.

Với đề xuất này, họ đã bày tỏ ý kiến trong một báo cáo có tựa đề “Đối thoại Nga - Anh về các vấn đề an ninh: Triển vọng hợp tác song phương”. Báo cáo viết: “Việc thiết lập kênh liên lạc nóng Nga - Anh về vấn đề an ninh mạng là điều có lợi".

Một người tham gia báo cáo đó cho biết phía Nga nói rằng một đường dây như vậy giữa Nga và Mỹ đã được thiết lập hồi năm 2013 để vận hành trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở Sochi hồi năm 2014 nhằm cảnh báo Nga về các tin tặc hình sự được biết đến đang hoạt động ở Mỹ.

Sirazh Ahmed Shaikh - Giáo sư về các vấn đề an ninh hệ thống của Đại học Tổng hợp Conventry - cho biết mặc dù tại thời điểm hiện nay, nguy cơ của cuộc xung đột mạng trên quy mô lớn giữa Nga và Anh vẫn còn khá thấp, nhưng các kênh liên lạc bí mật đang thực sự cần thiết.

Theo Giáo sư này, điều đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay là những tin tặc hoạt động độc lập. Giáo sư nhận định: “Hành động của họ có thể dẫn đến sự leo thang ngoài ý muốn và sẽ khiến tất cả các bên xung đột đều hối hận”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục