Italy: Mối lo an ninh mạng và thông tin giả

05:30' - 02/04/2018
BNEWS Trong thế giới hiện nay, người ta không thể tưởng tượng được một tương lai không có mạng Internet. Tuy nhiên, điều phức tạp là tưởng tượng mạng Internet sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.
Vấn đề an ninh mạng và thông tin giả đang là mối lo của nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters

Đây là nhận định của trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính trị quốc tế Italy (ISPI). Người ta chỉ có thể dự đoán phần nào tác động của các công nghệ mới đối với cuộc sống cá nhân mỗi người cũng như toàn xã hội, nhưng chắc chắn việc phân biệt giữa một "thế giới thực" và một "không gian ảo" sẽ ngày càng khó khăn.

Mạng Internet trong tương lai là vấn đề liên quan chặt chẽ đến mọi người. Tất cả sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự tự do cũng như sự an toàn của các trang mạng trong tương lai. Đó là lý do khiến người ta thực sự phải quan ngại.

Môi trường Internet, với ưu thế vượt qua mọi rào cản địa lý, dường như đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công, phá hoại cơ sở trọng điểm của đối phương, bên cạnh việc đánh cắp, thay đổi cũng như công bố một lượng lớn những thông tin nhạy cảm.

Đứng đằng sau các hoạt động này là các chính phủ, nhà nước, các tập đoàn lớn nhưng cũng có thể là các tổ chức xâm nhập mạng trái phép, băng đảng tội phạm xuyên quốc gia mà trong tương lai có khả năng trở thành tổ chức khủng bố... Điều đó có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Không gian mạng là một phương tiện hiệu quả để truyền bá một mối đe dọa âm thầm.

Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng đến "thế giới thực" và đến những mối quan hệ quốc tế, đồng thời thay đổi một cách đáng kể bức tranh an ninh toàn cảnh. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp mà những căng thẳng mang tính quốc tế được bắt nguồn từ các cuộc tấn công trên mạng.

Ví dụ, hồi tháng 5/2017, virus “Wanna Cry” đã làm ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn máy tính trên toàn thế giới. Mỹ đã lên tiếng cáo buộc rằng chính Triều Tiên đứng đằng sau các vụ tấn công này.

Ngoài ra, một số cuộc tấn công mạng khác được thực hiện nhằm mục đích đáp trả các tình huống khủng hoảng quốc tế, ví dụ như vụ tấn công hồi tháng 5/2017 nhằm vào hãng thông tấn Qatar để đáp trả việc đăng tải bài diễn văn thể hiện tư tưởng ủng hộ Iran, nhưng trên thực tế văn bản này chưa bao giờ tồn tại. 

Các quốc gia luôn phát triển khả năng tấn công cũng như sử dụng công nghệ số nhằm theo đuổi các toan tính lợi ích chính trị thông qua việc chuẩn bị những phương tiện phòng thủ, tấn công hiệu quả. Vũ khí mạng của các quốc gia, một khi được sử dụng, có thể bị các phần tử cực đoan thao túng với động cơ phát tán, thậm chí là đánh sập hệ thống mạng.

Do vậy, nhiều khả năng năm 2018 sẽ là năm khẳng định sự phát triển quân sự hóa trên không gian mạng với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng (có thể là một chiến dịch tấn công mạng với nhiều mục đích). Bên cạnh đó, nguy cơ tấn công mạng do các lực lượng khủng bố tiến hành ngày càng trở nên rõ nét.

Lý do thứ hai khiến người ta lo ngại về các mối đe dọa được phát tán trên mạng lại liên quan tới việc sử dụng mạng Internet với mục đích gây bất ổn xã hội hoặc những ảnh hưởng xã hội nhằm phục vụ lợi ích bên ngoài. Các hoạt động gây ảnh hưởng nếu được thực hiện qua không gian mạng lại đặc biệt hiệu quả. Đây chính là ưu thế đặc trưng của không gian mạng.

Đó là một công cụ toàn cầu, không bị giới hạn bởi các yếu tố địa lý, không hạn chế trong việc sử dụng, khả năng cho phép ẩn danh (tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tấn công), khả năng sao chép không giới hạn các thông điệp tuyên truyền, tốc độ phát tán tức thì, không cần sự trung gian.

Các thông tin càng gây tranh cãi, phản hồi trực tuyến trên các trang điện tử cá nhân và các mạng xã hội lại càng dễ dàng lan tỏa, đánh lạc hướng dư luận, gây nghi ngờ. Mục đích cuối cùng chính là làm suy yếu sự đoàn kết nội bộ các tổ chức, từ đó làm suy giảm sức mạnh khiến tình hình nội bộ của một tổ chức, thể chế trở nên thuận lợi hơn với những mục đích muốn đạt được.

Sự phản đối hiện tượng "thông tin giả" cũng như những nỗ lực điều khiển dư luận từ phía nước ngoài tại nhiều quốc gia, trong đó có Italy, vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy những quan ngại xuất phát từ các "cuộc chiến thông tin". Đối với một quốc gia như Italy, năm 2018 là năm bầu cử, chắc chắn sẽ càng có lý do để cảnh giác cao độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục