Mâu thuẫn - Trạng thái bình thường mới trong quan hệ Mỹ - Trung (Phần 2)

06:30' - 17/01/2019
BNEWS Trung Quốc gửi một tín hiệu rõ ràng về việc Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng linh hoạt với các mối quan ngại của Mỹ, nhưng trong khuôn khổ chiến lược cải cách đã được lựa chọn.
Đồng tiền giấy 100 Nhân dân tệ (trái) và đồng USD ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trước đó, ngày 9/1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết các quan chức của hai phía đã bàn bạc “những cách thức để đạt được sự công bằng, có qua có lại và sự cân bằng trong quan hệ thương mại” và tập trung vào cam kết của Trung Quốc mua thêm nhiều hàng nông sản, năng lượng và chế tạo cũng như các sản phẩm và dịch vụ khác của Mỹ.

Văn phòng này cho biết các cuộc đàm phán cũng tập trung vào những cách thức đảm bảo sự thực thi và sự kiểm chứng Trung Quốc có thực hiện những cam kết đưa ra đối với Mỹ hay không.
Về mặt này, các nhà quan sát đã lưu ý đến tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc gặp vào ngày 9/1 với Elon Musk, CEO kiêm Chủ tịch nhà sản xuất xe điện Tesla, và bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải vào ngày 7/1 tại cuộc họp thường niên của Phòng Thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2019.
Tại các sự kiện này, phía Trung Quốc tái khẳng định xu hướng mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, hợp tác toàn diện với phía Mỹ, bao gồm cả trong lĩnh vực đầu tư, coi đây là một trong những phương hướng cải cách chính của Trung Quốc.

Bằng cách này phía Trung Quốc gửi một tín hiệu rõ ràng về việc Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng linh hoạt với các mối quan ngại của Mỹ, nhưng trong khuôn khổ chiến lược cải cách đã được lựa chọn.
Báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong dẫn nhận định của Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán, Ngô Tâm Bác cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ hiện nay đều sẵn sàng hơn trong việc giải quyết vấn đề xung đột thương mại.
Từ góc nhìn của Mỹ, kinh tế Mỹ năm 2019 đứng trước xu thế tăng chậm lại, trong lúc các chỉ số chứng khoán Mỹ gần đây đã xuất hiện những biến động lớn, cho thấy thị trường rất đáng lo ngại. Kể từ ngày 1/12/2018, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 8%. Theo hãng tin Bloomberg, một số cố vấn kinh tế cấp cao Mỹ đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhằm trấn an thị trường.
Ông Ngô Tâm Bác không úp mở nói rằng điều này không có nghĩa là các vấn đề thương mại giữa hai nước sẽ được giải quyết, hai bên sẽ vẫn phải tiếp tục điều chỉnh và ăn khớp với nhau trong các lĩnh vực mang tính kết cấu. Ông nói: “Một số vấn đề mang tính kết cấu, vấn đề chính sách công nghiệp, có thể mất nhiều thời gian hơn để đàm phán. Đặc biệt là sau khi đạt được thỏa thuận, những biện pháp thay đổi, tiến độ thúc đẩy và thời gian biểu cũng sẽ là những vấn đề gây tranh cãi”. 
Trước đó, trong báo cáo về chính sách đối ngoại của Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung năm 2018, ông Ngô Tâm Bác cũng chỉ ra rằng kể từ đầu năm 2018, chính quyền Mỹ đã coi Trung Quốc là “kẻ cạnh tranh”, “đối thủ”, và “quốc gia theo chủ nghĩa xét lại”, thúc đẩy việc điều chỉnh một loạt chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. 
Ở đây bao gồm việc triển khai cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc về chính trị, kinh tế và an ninh, thúc đẩy xóa bỏ mối liên hệ Mỹ - Trung về khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng; Mỹ cũng áp đặt các hạn chế và gây sức ép đối với xuất khẩu văn hóa Trung Quốc vào Mỹ, các doanh nghiệp hoặc cá nhân Trung Quốc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Theo phân tích của chuyên gia Ngô Tâm Bác, trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ - Trung xuất hiện những thách thức chưa từng có, và những mâu thuẫn mang tính cơ cấu giữa hai bên đã trở nên nổi bật hơn; mối quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ vừa hợp tác vừa cạnh tranh sang xu hướng cạnh tranh là chính, quan hệ song phương cũng bị thu hẹp lại.
Ông tin rằng ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kết thúc, Mỹ sẽ không từ bỏ các hạn chế đối với Trung Quốc về khoa học và công nghệ và các lĩnh vực liên quan. Ông nhấn mạnh “trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung, những xích mích, va chạm và xung đột ngày càng trở thành trạng thái bình thường. Việc kiểm soát hiệu quả những rủi ro và khủng hoảng sẽ là thách thức cấp bách đối với cả hai bên”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục