Máy thu hồi carbon sẽ là "khắc tinh" của ô nhiễm môi trường

08:15' - 19/03/2024
BNEWS Công ty khởi nghiệp Sirona Technologies ở Brussels, ra đời vào năm 2023, đang phát triển những cỗ máy có khả năng bẫy carbon dioxide trong không khí.

 

Công ty hy vọng có thể đóng một vai trò quan trọng trong thị trường mới nổi này.

Công nghệ nhằm mục đích loại bỏ CO2 khỏi khí quyển được gọi là thu khí trực tiếp hoặc DAC, bao gồm việc “bẫy” carbon dioxide sau khi hút không khí vào các máy được trang bị bộ lọc hóa học. CO2 được chiết xuất sau đó được lưu trữ dưới lòng đất.

Công nghệ này tưởng chừng như bước ra từ thế giới viễn tưởng nhưng trên thực tế, nó đã cho thấy hiệu quả. Hiện đã có các nhà máy sử dụng quy trình này như công ty Climeworks của Thụy Sỹ ở Iceland và các nhà máy khác đang được xây dựng, chẳng hạn như của tập đoàn dầu mỏ Oxy ở Texas. Tuy nhiên, công nghệ cần phải được cải thiện. Đặc biệt là để tăng khối lượng CO2 thu hồi và giảm chi phí vận hành.

 

Sirona Technologies nhằm mục đích xây dựng các máy đơn giản và modul. Theo anh Thoralf Gutierrez, đồng sáng lập công ty, máy móc được lắp ráp hoàn chỉnh trên dây chuyền sản xuất và có thể vận chuyển được. Tại công trường, máy móc sẽ được triển khai theo nhóm năm chiếc trong các container vận chuyển mà không cần phải kết nối với nhà máy trung tâm.

Hơn một năm sau khi thành lập, Sirona Technologies đã tạo được phiên bản thứ ba của mình. Anh Thoralf Gutierrez cho biết, phiên bản này có khả năng thu giữ 2 kg carbon dioxide mỗi ngày. Hiện nay, công ty đang hướng tới một mô hình sản xuất có khả năng loại bỏ 200 kg carbon vào cuối năm nay. Điều này hoàn toàn khả thi vì trong năm 2023, công ty đã tăng công suất này lên 200 lần và chỉ cần tăng lên 100 lần trong vài tháng tới.

Mới đây, công ty khởi nghiệp này đã ký kết thỏa thuận với hai công ty của Kenya để xây dựng địa điểm không khí sạch trực tiếp đầu tiên ở Kenya vào năm 2025. Theo Thoralf Gutierrez, một “điểm đến” kết hợp các lợi thế và phản hồi tích cực trước những lời chỉ trích hợp lý đối với công nghệ hiện nay. Đặc biệt là những nơi tiêu thụ nhiều năng lượng hoặc được triển khai ở những khu vực có lòng đất không lý tưởng để lưu trữ CO2.

Anh Thoralf Gutierrez cho biết ở Kenya, năng lượng sạch rất dồi dào với 98% điện năng đến từ các nguồn tái tạo. Thung lũng nơi công ty dự định triển khai được tạo thành từ đá bazan giống như ở Iceland. Đó là lý tưởng để lưu trữ CO2. Ngoài ra, Chính phủ Kenya muốn khuyến khích sự phát triển của công nghệ. Điều đó làm cho mọi việc dễ dàng hơn.

Loại dự án này sẽ cho phép Sirona Technologies chứng minh rằng máy móc của họ hoạt động đồng thời mang lại doanh thu ban đầu từ việc bán tín chỉ carbon.Mô hình kinh doanh của Sirona Technologies dựa trên việc bán tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp. Hiện nay, có một loạt công ty, đặc biệt là vì lý do hình ảnh, muốn giảm lượng phát thải của họ.

Một trong những hy vọng của anh Thoralf Gutierrez là thấy thị trường "tự nguyện" này phát triển trong những năm tới thành một "thị trường quy định". Theo anh Gutierrez, các doanh nghiệp sẽ bị buộc phải giảm lượng phát thải và sau đó sẽ tìm đến các nhà sản xuất như Sirona Technologies. "Ở châu Âu, việc thiết lập loại quy định như vậy vẫn chưa được nhất trí. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sớm muộn nó sẽ đến", anh Thoralf Gutierrez khẳng định.

Trong tương lai, mô hình kinh doanh có thể phát triển. Sirona Technologies sẽ trở thành nhà cung cấp công nghệ và bán máy móc của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục