MB sẽ làm gì khi nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém?

12:28' - 25/04/2022
BNEWS Theo ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), sẽ có 3 phương án xử lý sau khi nhận chuyển giao bắt buộc mà không nhất thiết phải hợp nhất.

Sáng 25/4 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) đã giải đáp nhiều ý kiến của cổ đông xoay quanh kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

 

Theo đó, ông Thái cho biết có 3 phương án xử lý sau khi nhận chuyển giao mà không nhất thiết phải hợp nhất. Cụ thể, sau khi tái cơ cấu, ngân hàng yếu kém sẽ sáp nhập vào MB để tăng quy mô của MB, hoặc có thể bán đi như một khoản đầu tư; ngoài ra cũng có thể IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) để chuyển thành ngân hàng cổ phần.

"Việc nhận chuyển giao bắt buộc không phải là việc dễ dàng nhưng chúng ta được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước và dự án có ích cho xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng dài hạn sẽ đem lại không gian phát triển cho MB, mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5-2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới...", ông Lưu Trung Thái khẳng định. 

Tuy danh tính ngân hàng nhận chuyển giao vẫn chưa được tiết lộ nhưng sau khi nhận chuyển giao bắt buộc MB và tổ chức tín dụng bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng. Báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ không phải hợp nhất cho tới khi MB quyết định sáp nhập với tổ chức tín dụng này.

Trước đó, tờ trình cổ đông của MB cho biết đã tìm kiếm và nghiên cứu cơ hội tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng và hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân. Việc này thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc; tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng được MB trình tới cổ đông trong đại hội. Trong đó, ngân hàng sẽ chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) để tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn thêm 892,4 tỷ đồng mà đại hội trước đã thông qua.

Đồng thời, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương đương với tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Bên cạnh đó, MB dự kiến chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến là hơn 9.099 tỷ đồng, được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và đầu tư bổ sung vốn kinh doanh cho MB.

Tại đại hội, nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng khác của MB cũng được thông qua. Cụ thể, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với năm 2021, đạt 20.300 tỷ đồng. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế theo kịch bản dự kiến tăng 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước.

Dự kiến tổng tài sản năm 2022 tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% theo giới hạn tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%./.

>>>SeABank thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục