Techcombank: Tỷ lệ nợ xấu với cho vay bất động sản gần như bằng 0

18:29' - 23/04/2022
BNEWS Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank khẳng định những năm qua, ngân hàng cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) diễn ra hôm nay 23/4 tại Hà Nội, nhiều cổ đông đã bày tỏ lo lắng liệu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi cơ quan quản lý có động thái "siết chặt" hoạt động trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản.


Trước vấn đề này, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank nhận định việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định "siết" tín dụng bất động sản là nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ. Bất động sản hiện là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế quốc gia và nguồn cung nhà ở hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó, ông tin rằng cơ quan nhà nước sẽ có những biện pháp nhất định để phát triển thị trường bất động sản.

"Tại Techcombank trong 5 năm qua chưa gặp vấn đề nào đối với các khoản vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu với danh mục tín dụng này gần như bằng 0. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì những định hướng với cho vay bất động sản. Và trong dài hạn, Techcombank kỳ vọng có những cơ hội đầu tư tốt cho người dân Việt Nam", ông Jens Lottner nói.
Đồng quan điểm, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank khẳng định những năm qua, ngân hàng cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị. Trong đó, các dự án bất động sản tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị,... đem lại nhiều giá trị cho người dân và xã hội.
"Thông điệp của Chính phủ về trái phiếu và bất động sản rất rõ ràng. Những trái phiếu không được thẩm định rõ ràng, không minh bạch hoặc đầu cơ bất động sản mới bị siết. Trong khi đó, Techcombank đã làm cẩn thận và hiệu quả", ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Techcombank cho biết khi đầu tư vào vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay trung và dài hạn, bao gồm phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ… Techcombank đã làm rất chặt chẽ và tỷ lệ nợ xấu rất thấp đã phản ánh thực tế này.
Theo ông Hồ Hùng Anh, nói siết trái phiếu thì hơi nặng mà chính xác là làm lành mạnh thị trường trái phiếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm việc chuyên nghiệp, mang những sản phẩm tốt cho thị trường vốn.
Bên cạnh đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản, vấn đề chia cổ tức cũng một lần nữa làm "nóng" đại hội lần này khi suốt 11 năm qua, chỉ duy nhất năm 2018 là Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE).
Chủ tịch Hồ Hùng Anh lý giải lộ trình chia cổ tức còn phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng, mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông dài hạn.

Chủ tịch cho biết với lợi nhuận hiện tại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Techcombank đang ở mức hơn 20%/năm, là một khoản đầu tư rất tốt. Nếu ROE của Techcombank thấp chỉ 5% có thể cũng sẽ đề xuất chia cổ tức để tìm kiếm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác.

Có nhiều luồng ý kiến về việc chia cổ tức, một bên muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, một bên muốn chia để tăng vốn. Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng.
"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Năm 2018, Techcombank cũng đã chia cổ tức thì giá cổ phiếu đã giảm 3 lần và cổ đông phải trả 5% thuế thu nhập cá nhân. Góc độ cá nhân tôi chưa nhìn thấy giá trị của việc này cho doanh nghiệp", ông Hồ Hùng Anh phân tích.

Năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng dự kiến tăng 15% lên 446.600 tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Ngoài ra, Techcombank tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động.
Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua kế hoạch chuyển trụ sở chính của Techcombank từ 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng về số 6 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm 2021, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 23.200 tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020. Tổng sản tăng trưởng 29,4% lên 568.700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,7%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,5% vào cuối 2021. Tỷ lệ nợ xấu là 0,7%./.

>>>OCB nói gì về các khoản cho vay Tập đoàn FLC và Đại Nam?


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục