Mexico chứng kiến làn sóng đầu tư về gần

12:22' - 20/02/2024
BNEWS Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mexico dự kiến tăng khoảng 20% trong năm nay, nhờ vào đà tăng kỷ lục của FDI trong năm 2023, cũng như từ xu hướng đầu tư về gần (near-shoring).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mexico dự kiến tăng khoảng 20% trong năm nay, nhờ vào đà tăng kỷ lục của FDI trong năm 2023, cũng như từ xu hướng đầu tư về gần (near-shoring) khi các tập đoàn quốc tế tiếp tục chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng đến quốc gia Mỹ Latinh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu tại Diễn đàn Near-Shoring được tổ chức tại thủ đô Mexico City ngày 19/2, ông Alejandro Encinas, phụ trách thương mại quốc tế tại Bộ Kinh tế Mexico, cho biết dự đoán trên dựa vào lượng FDI kỷ lục 36,1 tỷ USD mà nước này thu hút trong năm 2023.

 

Trong số này, có đến gần 80% dự án là do doanh nghiệp dùng lợi nhuận để tái đầu tư, đồng nghĩa với việc đa số các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Mexico tiếp tục dịch chuyển các cơ sở sản xuất và cung ứng của họ từ nhiều nơi trên thế giới về quốc gia này nhằm tận dụng vị trí gần với Mỹ - trung tâm tiêu dùng cũng như sản xuất lớn trên thế giới.

Ông Encinas cho biết các doanh nghiệp quốc tế đã công bố gần 400 dự án đầu tư khác với tổng số vốn lên tới 110 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là vẫn thấp hơn so với thực tế vì còn nhiều dự án đầu tư chưa được chính thức công bố.

Theo ông Encinas, số vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào nước này trong thời gian tới tương đương 6,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico trong năm 2022, đồng thời dự kiến tạo ra khoảng 226.800 việc làm mới, trong đó 42% số vị trí việc làm liên quan đến công nghiệp sản xuất - chế tạo.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Thương mại Mexico (CCE) Francisco Cervantes khẳng định near-shoring tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ lưu vào Mexico trong năm 2024, đồng thời dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2,6% mỗi năm vào GDP của quốc gia này trong giai đoạn 2024-2030.

Tuy nhiên, Chủ tịch CCE lưu ý nhằm tận dụng tối đa xu hướng này, giới chức Mexico cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, cũng như đảm bảo tốt về vấn đề an ninh và phòng chống tội phạm.

Liên quan đến thị trường nhân lực phục vụ phát triển, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Mexico Marath Bolaños cho biết lực lượng lao động Mexico hiện ngày càng lành nghề và được “quốc tế hóa” hơn. Mỗi năm, khoảng 30% số sinh viên nước này tốt nghiệp các chuyên ngành mang tính cạnh tranh cao như công nghệ, chế tạo máy và tự động hóa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục