Mía đường trước sức ép hội nhập - Bài 2: Cơ cấu lại ngành mía đường

17:21' - 23/04/2018
BNEWS Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam phải có những thay đổi trong cơ cấu quyết liệt và sâu sắc hơn. Phát triển mía đường đòi hỏi phải bền vững trên cả 3 mặt: kinh tế - xã hội – môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích và nâng cao thu nhập của nông dân trồng mía cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khó khăn với còn chồng chất với người trồng mía. Ảnh: TTXVN
Khó khăn chồng thách thức

Giá mía nguyên liệu chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất đường. Việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây mía đang là một thách thức lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam.

Dù đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, song sản xuất quy mô hộ vẫn là chủ yếu với diện tích đất trồng mía bình quân của từng hộ rất thấp, điển hình như Trung du miền núi phía Bắc 0,44 ha/hộ; Bắc Trung bộ 0,73 ha/hộ; Nam Trung bộ 0,34 ha/hộ…

Hơn nữa, phần lớn đất trồng mía ở Việt Nam hầu hết là đất đồi, không liền vùng, liền khoảnh, thiếu nước tưới và khó áp dụng cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch nên giá thành sản xuất cao. Những diện tích này, cây mía vẫn phụ thuộc vào nước trời chứ chưa được chủ động nước tưới.

Trong khối ASEAN, có 4 nước sản xuất đường mía lớn là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Quy mô ngành đường Việt Nam (diện tích mía và sản lượng đường) là nhỏ bé nhất sau Indonesia, Philippines và chỉ bằng 16% so với Thái Lan.

Diện tích trồng mía của Thái Lan hiện đạt 1,45 triệu ha, gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng đường lại cao gấp 8 lần. Thái Lan sản xuất khoảng 11 triệu tấn đường mỗi năm.

Khoảng cách về năng suất mía nước ta với các nước đang được thu hẹp dần trong khi chất lượng mía vẫn còn là vấn đề lớn đối với ngành mía đường nước ta. Bởi, nhiều nơi người dân vẫn còn phải tự để giống mía.

Năm 2017, cả nước có 41 nhà máy đường tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày tại 25 tỉnh; trong đó, có 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày tại 19 tỉnh, với tổng công suất chiếm gần 30% tổng công suất các nhà máy cả nước. Cả nước mới chỉ có 8 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày.

41 nhà máy đường này đang gắn liền với 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và hàng chục nghìn công nhân công nghiệp chế biến. Đối với đất trồng mía sẽ khó có thể tìm cây trồng có hiệu quả hơn thay thế, sẽ không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập đời sống mà tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội.

Việc gia tăng công suất nhà máy phụ thuộc vào khả năng mở rộng vùng trồng tương ứng và cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi áp lực cung cầu ngành.

Tồn tại phần lớn những yếu kém trên của ngành mía đường, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thừa nhận, các nhà máy đã chưa chủ động tái cơ cấu mình để thích ứng với thị trường.

Chủ động tái cơ cấu

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu.

Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành đường đang chuyển mục tiêu tăng trưởng của ngành đường theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu và hiệu quả tổng hợp của công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, hạ giá thành sản phẩm để mía đường đủ sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển mía đường bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích và nâng cao thu nhập của nông dân trồng mía cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mía nguyên liệu là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường. Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm lợi ích của người trồng mía, nhiều công ty đã tích cực chuyển đổi, tạo nên diện mạo mới về vùng nguyên liệu tập trung đạt hiệu quả cao, điển hình: Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa)…

Trong quá trình phát triển, nhiều nhà máy đã tạo dựng được mối liên hệ gắn bó giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua ký kết hợp đồng hỗ trợ giống, đầu tư vốn và công nghệ cũng như bao tiêu đầu ra. Nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tổ chức tốt mối liên kết này, minh bạch (nhất là trong xác định chữ đường) và hài hòa lợi ích giữa các bên thì mới bền vững.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nếu cứ để các nhà máy ở “bên ngoài”, không liên quan đến vùng nguyên liệu là rất nguy hiểm, đương nhiên sẽ dẫn đến cảnh được mùa rớt giá.

Tái cơ cấu ngành này phải có sự liên kết rất chặt chẽ giữa nhà máy sản xuất với vùng nguyên liệu qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhà máy phải coi đó là đứa con mình, là vật liệu nuôi sống mình thì mới đảm bảo hài hòa. Nhiều nơi, nông dân vẫn không hài lòng khi bán mía cho các nhà máy trong xác định chữ đường.

Để có mía chất lượng, năng suất cao, việc nghiên cứu, lai tạo và chuyển giao giống tốt có năng suất, chất lượng cao cũng như các tiến bộ kỹ thuật về canh tác mía có vị trí quan trọng hàng đầu lúc này.

Đề án phát triển mía đường cũng đưa ra mục tiêu năm 2020, có 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp, do đó sẽ có dự án sản xuất giống ba cấp, lai tạo các giống mía chịu hạn, chịu mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

“Đầu tư nghiên cứu, thậm chí là nhập nội những giống mía có năng suất cao và áp dụng các biện pháp tưới làm cho năng suất mía của Việt Nam có thể ngang với các nước trong khu vực là việc phải làm ngay”, ông Cường chỉ ra.

Ngành sản xuất đường là một ngành thâm dụng lao động, do đó phải đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch… giảm tổn thất sau thu hoạch; thực hiện quy trình thâm canh theo chiều sâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, không chỉ ứng phó với tình hình hiện nay mà với hội nhập, trước hết là Hiệp định ATIGA giải pháp đầu tiên là phải giảm giá thành sản xuất mía.

Cùng với những cải tổ trong trồng trọt, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức chế biến các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường là một lợi thế để ngành đường tiếp tục đầu tư phát triển.

Các nhà máy cần tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để tăng tỷ lệ đường tinh luyện, đa dạng sản phẩm đường như đường nước, đường hữu cơ…; tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến như sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn, điện từ bã mía, cồn từ rỉ mật.

Kinh nghiệm tại các quốc gia có ngành mía đường phát triển hiện nay như Brazil, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Mexico... đều cho thấy, để tồn tại và phát triển bền vững, ngành mía đường phải chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là cân đối nhịp nhàng giữa việc sản xuất đường và cồn etanol. Việc đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng đại trà là cơ hội rất tốt cho ngành mía đường Việt Nam hiện nay.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, đã là thị trường, các doanh nghiệp phải chấp nhận, nhưng khi nhận diện được các nút thắt cần tập trung tháo gỡ từng nút thắt. Nông dân, nhà máy, nhà nước cần cùng đồng hành để vượt qua khó khăn.

Ông Doanh cho biết, hiện giá điện đồng phát sinh khối từ bã mía là 5,8 cent/kWh trong khi điện sinh khối từ các nguồn nguyên liệu khác là hơn 7 cent/kWh. Các nhà máy mong muốn được “bình đẳng” trong cách tính giá điện sinh khối để hấp dẫn các nhà máy đầu tư và đây cũng là một kênh hỗ trợ tốt.

Ông Doanh cho rằng, định hướng tái cơ cấu ngành mía đường đến năm 2030 là sản phẩm bên cạnh đường sẽ gấp đôi giá trị của đường thì ngành đường mới phát triển bền vững trong hội nhập.

Tìm kênh tiêu thụ đường bền vững

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực ngành mía đường. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Năm 2017, có thể nhận thấy sự “bùng nổ” trong mua bán và sát nhập (M&A) với những “ông lớn” trong ngành mía đường. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa.

Với sự hợp tác này, Vinamilk về cơ bản đã khép kín chuỗi cung ứng của mình, còn Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có cơ hội tái cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hay Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và Công ty cổ phần Đường Biên Hòa cùng sáp nhập để tạo nên một công ty đường lớn nhất Việt Nam với thị phần trên 30%.

Những doanh nghiệp lớn trong ngành mía đường đã tìm đến còn đường M&A như vậy, các doanh nghiệp mía đường có công suất nhỏ cũng nên tính tới chuyện sáp nhập, liên kết để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài M&A, gần đây ngành mía đường cũng chứng kiến sự hợp tác giữa doanh nghiệp mía đường với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đường, như hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Thành Thành Công với Tập đoàn KIDO.

Đặc biệt, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực ngành mía đường; trong đó, Coca-Cola Việt Nam sẽ sử dụng 100% nguyên liệu đường trong nước để chế biến vào năm 2020.

Khi thị trường tiêu thụ khó khăn, các nhà máy cần giữ chân khách hàng truyền thống, phát triển khách hàng mới và phải đẩy mạnh liên doanh, liên kết mở rộng các kênh tiêu thụ.

Cùng với sự quyết tâm khắc phục những nội tại, Hiệp hội Mía đường Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đường, triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục