Miền đất cù lao nhiễm mặn đổi đời nhờ sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

15:21' - 13/02/2024
BNEWS Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng biến đồi khí hậu hiệu quả, phù hợp đặc thù miệt cù lao nhiễm mặn, hiện nay, 100% số xã trong huyện ra mắt xã nông thôn mới.

Tại Tiền Giang, Tân Phú Đông là địa bàn khó khăn bậc nhất gồm quần thể các cù lao tiếp giáp biển Đông, mỗi năm có từ 6 đến 9 tháng bị nhiễm mặn, cuộc sống người dân bấp bênh.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, quan điểm của địa phương là huy động tốt các nguồn lực, chuyển đổi mô hình sinh kế, phá thế độc canh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá phát triển kinh tế cho vùng đất khó một thời.

Huyện xác định tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; lấy nuôi trồng thủy sản làm mũi nhọn kinh tế; đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh cây trồng kinh tế phù hợp vùng đất mặn như: sả, dừa, cây ăn quả đặc sản…tạo sinh kế cho bà con.

Mở rộng mô hình

Tân Phú Đông mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ lên 7.280 ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt trên 31.000 tấn thủy sản các loại, chủ yếu tôm sú, tôm thẻ, cua biển, cá…; chuyển đổi trên 3.700 ha đất lúa một vụ sang trồng sả chuyên canh, lớn nhất khu vực sông Tiền, sản lượng mỗi năm gần 60.000 tấn sản phẩm; vùng trồng cây lâu năm trên 3.000 ha gồm dừa trên 2.700 ha, còn lại là cây ăn quả khác…

 

Mãng cầu xiêm, dừa, sả, tôm sú, tôm thẻ…hiện nay là những sản vật nổi tiếng của miền đất mặn, thị trường ưa chuộng đã giúp hộ dân dựng nên cơ nghiệp. Điển hình như ông Hà Văn Hải lập nghiệp từ mô hình một vụ tôm + một vụ lúa (tôm +lúa) tại Phú Tân, một xã tiếp giáp biển Đông. Vào mùa khô hạn ông nuôi tôm; khi mùa mưa về, nước ngọt dồi dào, ông chuyển sang trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chí GlobalGAP. Qua đó, hiệu quả mang lại rõ rệt. Với 11 ha sản xuất theo mô hình lúa + tôm, gia đình ông thu lãi ròng trên 550 triệu đồng/ năm. Ông Hải đã vinh dự nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi tỉnh Tiền Giang.

Ông Phạm Văn Lẹ, cư ngụ tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ trên đất nhiễm mặn thu nhập bấp bênh sang nuôi tôm thẻ thâm canh. Ông Phạm Văn Lẹ chia sẻ: Sau nhiều năm làm lúa thất bát, ông suy nghĩ phải đổi mới tư duy kinh tế, hướng đến mô hình kinh tế hiệu quả, thích ứng hạn – mặn, giảm nhẹ thiên tai. Qua nhiều lần cân nhắc, ông Lẹ chuyển đổi 3 ha đất lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ. Trung bình, mỗi năm sau khi trừ chi phí còn lãi ròng trên 2 tỷ đồng, cao gấp vài chục lần nếu so với trồng lúa 1 vụ bấp bênh, nhiều rủi ro trước đây.

Đặc biệt, ông Phạm Văn Lẹ cũng là nông dân huyện cù lao vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi tỉnh Tiền Giang.

Còn ông Lê Hồng Đáng, cư ngụ tại xã ven biển Phú Đông chuyển 10.000 m2 đất trồng lúa một vụ sang trồng sả chuyên canh theo khuyến khích của chính quyền địa phương.  Theo ông Đáng, sả trồng sau 5 tháng có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nhờ giỏi thâm canh, ông Lê Hồng Đáng thu hoạch đạt sản lượng 30 tấn sả/ năm, thu khoảng 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên trăm triệu đồng. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tạo dựng cơ nghiệp bền vững, nhiều năm liền, ông Lê Hồng Đáng được bình chọn nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu địa phương.

Xây dựng thương hiệu nông sản

Hiện nay, Tân Phú Đông thành lập được 8 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chuyên canh sả, kinh tế tồng hợp…. Qua đó, tập hợp nông dân và liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa địa phương. Mặt khác, Tân Phú Đông quan tâm đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông".

Tháng 4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông. Hợp tác xã chuyên canh sả Phú Thạnh và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Đông chuyển giao quy trình canh tác VietGAP trên cây sả cho nông dân. Nhờ vậy, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững vùng trồng sả trọng điểm tại Tiền Giang.

UBND huyện Tân Phú Đông đang triển khai 7 dự án/kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất nông, lâm – thủy sản với tổng kinh phí trên 14,3 tỷ đồng; trong đó, có 2 dự án liên kết tiêu thụ và chế biến sâu về cây sả nhằm đa dạng hóa sản phầm, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa đặc thù địa phương. Đối với nuôi tôm, hiện, diện tích vùng nuôi theo mô hình lúa + tôm khoảng 130 ha, tập trung ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. Bình quân lợi nhuận mỗi ha đạt khoảng 50 triệu đồng/năm.

Nhờ sản xuất theo mô hình lúa + tôm, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, hiệu quả kinh tế cao, 100% hộ dân vùng nuôi vươn lên khá, giàu, không còn hộ nghèo. Nhiều bà con xây cất nhà cửa khang trang, chung sức cùng nhà nước đầu tư kiện toàn giao thông nông thôn, tạo diện mạo mới cho miền đất mặn Phú Tân gian khó hôm nào.

Tại vùng nuôi xã Phú Tân đã thành lập Hợp tác xã nông – thủy sản Phú Tân sản xuất theo mô hình tôm – lúa, tổng diện tích sản xuất trên 60 ha. Tân Phú Đông cũng quy hoạch các vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công ở xã Phú Tân, Vùng dự án 230 ha ở xã Phú Đông, vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao gần 400 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn, nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo nguồn nông sản có giá trị gia tăng cao, sản xuất nông nghiệp của huyện cù lao phát triển mạnh mẽ. Từ đó, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên miền đất khó khăn bậc nhất của tỉnh Tiền Giang một thời.

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng/người so với năm trước. Nếu năm 2008 – khi Tân Phú Đông chủ yếu còn độc canh cây lúa, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện lên đến 52,18% thì hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,68%.

Năm 2024, Tân Phú Đông phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 68,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,48%, đến năm 2025 không còn hộ nghèo, trừ những trường hợp hưởng bảo trợ xã hội.

Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng biến đồi khí hậu hiệu quả, phù hợp đặc thù miệt cù lao nhiễm mặn, hiện nay, 100% số xã trong huyện ra mắt xã nông thôn mới. Tân Phú Đông đang hướng tới mục tiêu ra mắt huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục