Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng

18:34' - 09/02/2024
BNEWS Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường Tết Nguyên Đán. Dự báo xâm nhập mặn tăng từ nay đến ngày 15/2.

Cụ thể, tanh mặn 4 g/l lớn nhất tuần có thể từ 30 – 45 km tại trên các cửa sông Cửu Long, từ 55 - 60 km trên sông Vàm Cỏ và từ 25 - 30 km trên sông Cái Lớn. Hiện xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 30 – 45 km vào các ngày triều cường.

 

Từ những cơ sở trên, Cục Thủy lợi nhận định nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 – 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không gay gắt như các năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020.

Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thay đổi theo triều.

Cụ thể, tại trạm Kratie (Campuchia), mực nước trong tuần có xu thế giảm. Đến 7h ngày 7/2 mực nước đạt 7,4; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,41 m; thấp hơn năm 2023 khoảng 0,12m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,64 m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,1 m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 7/2 đạt 5,03 tỷ m3; so với cùng kỳ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,03 tỷ m3; thấp hơn năm 2023 khoảng 2,41 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 3,13 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 3, 4 tỷ m3.

Mực nước lớn nhất ngày 7/2 tại trạm Tân Châu đạt 0,83 m; so với cùng kỳ cao hơn năm 2016 khoảng 0,11m, thấp hơn năm 2023 khoảng 0,06 m. Tại Châu Đốc đạt 1,03 m; so với cùng kỳ năm 2016 cao hơn 0,14 m, thấp hơn năm 2023 khoảng 0,04 m.

Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để tăng cường vận hành công trình thủy lợi lấy và trữ nước ngọt trong nội động; khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để trữ nước dự phòng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục