Miễn giảm thuế: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ

17:31' - 04/10/2024
BNEWS Trong những ngày đầu tháng 10, thành phố hoa phương đỏ vẫn còn dấu tích của bão, cây cối đổ ngổn ngang, biển quảng cáo hư hỏng, mái nhà tốc, và nhiều xưởng sản xuất bị sập đổ trên các con phố.
Gần một tháng đã trôi qua kể từ khi cơn bão số 3 và hoàn lưu quét qua, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và nằm trong tâm bão, thành phố Hải Phòng đang gánh chịu tổn thất nặng nề nhất về kinh tế.

Trong những ngày đầu tháng 10, thành phố hoa phương đỏ vẫn còn dấu tích của bão, cây cối đổ ngổn ngang, biển quảng cáo hư hỏng, nhà tốc mái, và nhiều xưởng sản xuất bị sập đổ trên các con phố.
 
Theo thống kê, thiệt hại kinh tế do bão số 3 tại Hải Phòng ước tính lên tới gần 12,3 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng, buộc phải tạm ngừng hoạt động vì hư hại cơ sở vật chất và gián đoạn nguồn cung nguyên liệu. Tình trạng đình trệ này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách địa phương, gây khó khăn cho các dự án phát triển hạ tầng.
 
 
Công ty TNHH Dũng Hường, có trụ sở tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) với gần 300 lao động và chuyên xuất khẩu giày da sang các nước EU, Mỹ, Hàn Quốc, đã chịu thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Ông Đào Văn Dũng, Giám đốc công ty, với ánh mắt thất thần chỉ vào hai nhà xưởng tan hoang, cho biết: “Chúng tôi gần như mất trắng mọi tài sản tích cóp cả đời sau cơn bão.”
 
Tại khu du lịch Hòn Dấu Resort ở quận Đồ Sơn, ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế du lịch, đang cùng nhân viên kiểm tra và khắc phục những hư hỏng do bão gây ra.
 
“Theo thống kê sơ bộ, chúng tôi ước tính thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Các hạng mục bị hư hỏng nặng bao gồm máy tạo sóng trị giá vài chục tỷ đồng tại khu vui chơi và khoảng 300m kè biển bị sụt vỡ. Dự kiến, việc khắc phục sẽ mất khoảng 3 tháng,” ông Hoàng Văn Thiềng cho biết.
 

Trao đổi với báo chí, T.S Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, siêu bão Yagi đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, nhất là tại một số địa phương tâm bão như Hải Phòng…Nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn, doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng khó hơn.

Do đó, để khôi phục nền kinh tế sau bão, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và trung ương. Thấu hiểu điều đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước…
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu các cục thuế địa phương nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, hướng dẫn hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng do thiên tai được hưởng chính sách về miễn giảm, gia hạn tiền nộp thuế. 

Cục Thuế Hải Phòng đã ngay lập tức biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết về chính sách, hồ sơ để người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 có thể áp dụng gia hạn, giảm thuế hoặc miễn thuế. Ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng cho biết: Các hướng dẫn này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục và gửi trực tiếp đến từng người nộp thuế qua email và Zalo. 

 
Cục Thuế cũng đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông và các cơ quan báo đài để tuyên truyền rộng rãi.
 
Đặc biệt, Cục Thuế chỉ đạo các phòng và chi cục thuế hỗ trợ tích cực các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Khi tiếp nhận yêu cầu miễn, giảm, gia hạn tiền nộp thuế của người nộp thuế bị thiệt hại do thiên tai, các đơn vị trực thuộc Cục có trách nhiệm ưu tiên hỗ trợ nhanh nhất cho người nộp thuế để hỗ trợ người nộp thuế sớm khắc phục khó khăn khôi phục sản xuất kinh doanh.
 
Cục cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết kịp thời các vấn đề về thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế và chứng từ liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ khôi phục hồ sơ thuế và các tài liệu cần thiết khác phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.
 
Ông Đào Văn Dũng cho hay, cán bộ ngành thuế đã đồng hành cùng công ty ngay khi bão vừa qua, “sự động viên kịp thời này đã mang lại cho chúng tôi động lực để vượt qua khó khăn. Hiện công ty đang hoàn thiện các thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, dự kiến doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ khoảng 7-8 tỷ đồng mỗi năm, giúp chúng tôi nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh."
 
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Dũng, việc xác định giá trị thiệt hại gặp nhiều khó khăn do yêu cầu hồ sơ phải có xác nhận từ các cơ quan có thẩm quyền như UBND xã, phường, Công an xã, phường, cơ quan tài chính và cơ quan giám định độc lập. Ông Đào Văn Dũng mong muốn có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời cho công ty.
 
Ông Hoàng Văn Thiềng cũng đồng tình và cho biết việc xác định thiệt hại gây khó khăn trong việc được hưởng chính sách miễn giảm thuế. Công ty của ông đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dưới sự hỗ trợ của cán bộ thuế. 
 
Theo ông Vũ Huy Khuê, quy định của pháp luật thuế, hồ sơ mà người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai gửi đến cơ quan thuế tùy theo từng hình thức đề nghị áp dụng giãn, giảm, gia hạn thì sẽ khác nhau. Nhưng sẽ có mấy loại hồ sơ chủ yếu là đơn đề nghị áp dụng, tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai của cơ quan có thẩm quyền. Tài liệu định giá trị vật chất bị thiệt hại của cơ quan tài chính hoặc cơ quan giám định độc lập; tài liệu về việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chứng từ bồi thường thiệt hại (nếu có)....
 
Ông Vũ Huy Khuê bày tỏ, tính đến thời điểm này, mặc dù các nội dung về chính sách gia hạn, miễn thuế, giảm thuế đã được triển khai đến từng người nộp thuế, có trên 20 người nộp thuế gửi công văn nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định đến Cục Thuế đề nghị được miễn, giảm, gia hạn tiền nộp thuế.
 
“Hầu hết người nộp thuế trên địa bàn đang trong quá trình sửa chữa tài sản, khôi phục sản xuất sau bão. Đồng thời, người nộp thuế đang chờ kết quả giám định về thiệt hại vật chất cũng như bồi thường của bên bảo hiểm. Do vậy, đến nay Cục Thuế vẫn đang khẩn trương hỗ trợ người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ để gửi cơ quan thuế”, ông Vũ Huy Khuê nói.
 
Thời gian tới, Cục Thuế thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế nói chung và các chính sách thuế hỗ trợ người nộp thuế bị thiệt hại bởi thiên tai nói riêng. 
 
Lãnh đạo Cục thuế Hải Phòng hy vọng với các giải pháp mà Cục Thuế đã và đang triển khai phần nào sẽ đồng hành giúp người nộp thuế vượt qua khó khăn do bão số 3 gây ra, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục