Miền Tây Nghệ An khai phá 3 hành lang kinh tế

14:28' - 18/11/2023
BNEWS Nghệ An cần định vị lại các tài nguyên, lợi thế của miền Tây trên cơ sở thời đại chứ không phải thời xưa, từ đó quyết chọn hướng phát triển; từ đó có chính sách đột phá cho doanh nghiệp đầu tư vào.

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức toạ đàm Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.

Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 7,5%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp phát triển tương đối mạnh, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với chế biến công nghiệp, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc.

 
Theo ông Thái Thanh Quý, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, là khu vực có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh, có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, phương thức sản xuất của vùng chủ yếu là kinh tế hộ tiểu nông, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán khó trở thành hàng hóa lớn. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng… còn hạn chế.

Để phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An bền vững, tỉnh có cơ sở từ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An. Đó là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; hành lang kinh tế quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ...), cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày (mía, chè, cao su...), cây ăn quả (cam, quýt, bưởi...), cây dược liệu, chăn nuôi gia súc (bò thịt, bò sữa, lợn...), các sản phẩm đặc sản, đặc hữu khác... trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; chú trọng phát triển một số sản phẩm thế mạnh theo địa bàn.

Tỉnh sẽ phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên (hệ sinh thái) và giá trị thương hiệu của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với đời sống bản sắc văn hóa các dân tộc…

Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Nghệ An là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế thuộc top đầu cả nước. Nghệ An có biển, sông, núi, rừng, cửa khẩu..., đặc biệt cả một vùng miền Tây rộng lớn. “Nếu Nghệ An "gỡ" được cho miền Tây thì không có gì không gỡ được”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Thiên tư vấn, Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của Sơn La. Nghệ An cần định vị lại các tài nguyên, lợi thế của miền Tây trên cơ sở thời đại chứ không phải thời xưa, từ đó quyết chọn hướng phát triển. Khi có tầm nhìn chiến lược thì cần chính sách đột phá cho doanh nghiệp đầu tư vào. Đây là lực lượng phát triển cho địa phương, tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, miền Tây xứ Nghệ được ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, tài nguyên dưới tán rừng, dòng sông Lam chảy qua, sự đa dạng về văn hóa, cùng với nhiều sản vật... nhưng đều chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, lan tỏa ra bên ngoài...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, tỉnh cần tiếp cận một cách tổng thể để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, cộng với văn hóa của các dân tộc miền Tây, cấu trúc cộng đồng xã hội. Đó là câu chuyện của phía Tây Nghệ An, câu chuyện để tăng thêm giá trị cho những nông sản.

Vùng miền Tây Nghệ An giáp 3 tỉnh của Lào, với 5 cửa khẩu; 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực. Tỉnh có 9/11 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục