Minh bạch quyết định hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước

17:47' - 23/08/2016
BNEWS Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc minh bạch là yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước.

Chiều 23/8, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức hội thảo "Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học với Việt Nam", nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn nhà nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc minh bạch là yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng, lâu nay, tại Việt Nam thường nói đến huy động vốn phát triển tư nhân, vốn ODA nhưng khu vực kinh tế nhà nước với tài sản khổng lồ, lớn hơn quy mô nền kinh tế lại chưa được nhắc đến.

Khu vực kinh tế nhà nước là khu vực nhiều tài sản, góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho quốc gia.

Ông Dag Detter, chuyên gia cố vấn của WB cho rằng, việc quản lý tốt tài sản thương mại nhà nước có thể giúp thực hiện mục tiêu hiện đại hóa của Việt Nam.

Hiện nay, tăng trưởng GDP đang chậm lại với mức 5,9%; thâm hụt ngân sách cao hơn với mức 6,1%.

Nợ công tăng nhanh trong khi các dòng vốn không ổn định.

Đối với tài sản công, năng suất thấp ở tất cả các ngành trọng yếu.

Lượng tài sản công lớn chưa liệt kê ở các địa phương, gồm tài sản cố định và tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh.

Nhà nước cần quản trị chuyên nghiệp của khối kinh tế công, cần tách riêng quản trị nhà nước ra khỏi chức năng khác của Chính phủ, đặc biệt là chức năng điều tiết.

“Ở Thụy Điển vào năm 1990, chúng tôi phải xử lý, tái cơ cấu khối ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước với khoảng 63 tổng công ty ở các ngành khác nhau từ năng lượng, ngân hàng, bia rượu... Sau 3 năm cải tổ, chúng tôi đạt hiệu suất gấp 2 lần. Chúng tôi đã cải tiến doanh nghiệp nhà nước và tạo ra hiệu ứng tốt”, ông Dag Detter cho biết.

Cũng theo ông Dag Detter, Việt Nam cần cải cách tốt về thể chế thì mới có thể thành công.

Nếu có gì chưa hoàn hảo, cần tìm xem nguyên nhân, ví dụ tính minh bạch, ảnh hưởng chính trị hay mục tiêu đặt ra không rõ ràng.

Hàng triệu người trong khối kinh tế tư nhân làm tốt còn khối kinh tế nhà nước làm được hay không không phụ thuộc vào ý chí cải cách của nhà nước. Việc xây dựng bảng cân đối kế toán cũng vô cùng quan trọng trong quản lý tài sản công.

Theo chuyên gia WB William P.Mako, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có thể phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, cơ chế quản trị còn manh mún, mỗi bộ ngành chủ quản, quản lý một vài tập đoàn, tổng công ty.

Ông William P.Mako cho rằng, Dự thảo nghị định về Ủy ban giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một bước cải cách quan trọng so với tình trạng phân tán các cấu thành quản trị doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, nhà nước cần giải quyết các vấn đề như làm thế nào tách bạch rõ ràng thực hiện quyền sở hữu nhà nước với quản lý nhà nước về kinh tế; vốn nhà nước hay tài sản nhà nước; xử lý mối quan hệ với cơ quan nhà nước khác trong quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước...

Về cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên trách với 6 ban chuyên môn, ông William P.Mako nhận xét, sẽ cồng kềnh, lãng phí hoặc có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Nếu áp dụng kinh nghiệm thực hiện quyền sở hữu của Bộ Công nghiệp Thụy điển thì nên tổ chức cơ quan chuyên trách thành các nhóm 3 người, phụ trách từ 1đến 3 tập đoàn, tổng công ty cùng nhóm ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục