Mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam có gì mới?

15:45' - 02/06/2023
BNEWS Đại học CMC định hướng phát triển từ xây dựng “Đại học thông minh, đổi mới sáng tạo” giai đoạn 2022 – 2032, sang “Đại học nghiên cứu” từ năm 2033, vươn tới “Đại học đẳng cấp quốc tế” từ năm 2043.

Tập đoàn CMC cho biết, Đại học CMC – Mô hình Đại học Số đầu tiên của Việt Nam đã khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Đây là sự kiện khởi đầu quan trọng trong tiến trình phát triển của nhà trường, đánh dấu sự ra mắt chính thức đầu tiên của Trường Đại học CMC với vai trò “mô hình đại học số”.

Mục tiêu hàng đầu của nhà trường là trở thành một Đại học công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, điện tử – viễn thông và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước, với quy mô cỡ trung từ 20 đến 30 nghìn sinh viên vào năm 2043.

Trong năm học đầu tiên, trường tuyển sinh 345 sinh viên với 5 ngành đào tạo: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Tập đoàn CMC coi những sinh viên chất lượng, tốt nghiệp Trường Đại học CMC không chỉ là nguồn nhân lực tập đoàn, cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

 PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng  trường Đại học CMC cho biết, khó khăn của những trường mới là ít người biết đến, mọi thứ phải bắt đầu từ đầu, với đầy thách thức. Tuy nhiên, thuận lợi của những trường mới là bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhà trường có thể áp dụng những gì tiên tiến nhất.

Trường Đại học CMC ngay từ đầu được định hướng xây dựng trở thành môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế. Do đó, từ bàn, ghế, phòng học… cũng theo tiêu chuẩn các trường quốc tế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho biết.

Hiệu trưởng trường Đại học CMC thông tin, hướng theo đại học số tiên phong, Trường Đại học CMC hiện đang áp dụng quản trị số; giảng dạy, học tập số và cuộc sống số dành cho cả thầy và trò của nhà trường.

Nếu với giảng dạy và học tập số, sinh viên có thể được tiếp xúc với những tư liệu số và các công nghệ mới như e-learning, virtual learning, thực tế ảo tăng cường hỗn hợp AR/VR… thì với cuộc sống số, sinh viên được hưởng thụ những dịch vụ, những tiện ích số từ lúc vào trường hoặc truy cập từ xa qua cổng thông tin (portal), đến thư viện, cách thức trao đổi, giao tiếp…

Với giáo trình học, toàn bộ các chương trình đều theo chuẩn quốc tế với sách giáo trình chuyên môn công nghệ 100% tiếng Anh và một số ít sách tham khảo tiếng Việt, dành cho những sinh viên năm đầu còn chưa thành thạo với các thuật ngữ chuyên ngành, nhằm tiện đối chiếu, tra cứu.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, với mô hình đại học trong lòng doanh nghiệp, Trường Đại học CMC sẽ giải quyết được bài toán “đào tạo bổ sung” bởi toàn bộ chương trình học không chỉ có tính hàn lâm và tiên tiến, mà còn gắn liền với doanh nghiệp.

Các môn chuyên ngành thường được chính các lãnh đạo công nghệ hay quản trị của các công ty thành viên trong tập đoàn tham gia giảng dạy hoặc trao đổi truyền đạt kinh nghiệm cho sinh viên khi trên lớp và khi thực hành, thực tập.

Sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã được tham quan thực tế. Trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được làm việc 1 học kỳ trong doanh nghiệp, tham gia công việc thực tế và được nhận lương theo những công việc em đó thực hiện.

Hướng đi của CMC là theo quan điểm, sinh viên ngoài biết cách làm còn biết sáng tạo. Đây cũng là một trong những giá trị cốt lõi của nhà trường. Có nhiều em mới là sinh viên năm thứ nhất đã có tiềm năng cho những nhóm nghiên cứu tại Viện công nghệ CMC-ATI, với những thử thách tập trung nghiên cứu bài bản, ông Bình khẳng định.

Theo ông Bình, giáo viên tại Trường Đại học CMC cũng tập trung nghiên cứu ứng dụng để cho ra sản phẩm ngay. Nghiên cứu cơ bản cũng được quan tâm, nhà trường vẫn khuyến khích nhưng ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu ứng dụng thực tiễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục