Mô hình sản xuất dưa lê, dưa vàng thơm cho lãi cao

18:03' - 15/07/2017
BNEWS Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đang triển khai mô hình "Sản xuất dưa lê, dưa vàng thơm chất lượng theo hướng an toàn" tại Hưng Yên.

Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân thu lãi trên 250 triệu đồng/ha mỗi vụ.
Mô hình được triển khai trên diện tích 10 ha tại các xã Phú Thịnh, Lương Bằng, Hùng An (Kim Động) và Đa Lộc (Ân Thi).

Dưa lê và dưa vàng thơm là loại cây cho năng suất chất lượng tốt, có khả năng chống chịu tốt đối với sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết, nhất là với bệnh héo xanh.
Mô hình được áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn: chọn đất không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác; nguồn nước tưới sạch từ nước sông có dòng chảy lưu thông không bị ô nhiễm; không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để chăm bón; thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Đình Thiều, Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm cho biết, giống dưa lê siêu ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở cả 3 vụ Xuân Hè, Hè, Hè Thu.

Thời gian sinh trưởng trong khoảng 65 - 75 ngày, khả năng phân nhánh mạnh, năng suất cao; hình dạng quả đẹp, khi chín màu trắng ngà, thịt quả dầy, ăn giòn thơm, độ Brix đạt 8,2 đến 10,4%.
Giống dưa vàng thơm thích hợp trồng trong vụ Xuân Hè và Hè tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thời gian sinh trưởng trong khoảng 70 ngày, năng suất ổn định trên 28 tấn/ha.

Quả có dạng tròn cao, trọng lượng đạt từ 1,5 đến 2 kg/quả, khi chín vỏ màu vàng sẫm, cùi dày, màu vàng nhạt, hàm lượng chất khô hơn 5%, hàm lượng tinh bột hơn 2,5%, độ Brix từ 10 đến 13%.
Theo bà Nguyễn Thị Vinh và các hộ nông dân tham gia mô hình ở xã Phú Thịnh, trồng dưa lê ở vụ Xuân Hè cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây khác tại địa phương. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho mô hình sản xuất giống dưa lê gần 29 triệu đồng/ha.
Trong vụ Xuân Hè năm nay, mô hình trồng dưa lê tại xã Phú Thịnh đạt năng suất 14 tấn/ha, giá bán trung bình tại ruộng 20 nghìn đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ nông dân thu lãi trên 250 triệu đồng/ha, cao gấp 7 lần so với cấy lúa và cao gấp 1,5 lần so với trồng bí xanh.
Bà Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên cho biết, từ hiệu quả bước đầu, sở sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất 2 giống dưa trên cho những năm tiếp theo để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục