Một loạt vấn đề “nóng” tại cuộc họp của giới chức tài chính G7

11:42' - 24/05/2024
BNEWS Ngày 23/5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại Stresa, miền Bắc Italy với một loạt vấn đề “nóng”.
Theo Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, hầu hết các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 sẽ diễn ra trong hai ngày 24-25/5.

Dự kiến tại hội nghị, các bên sẽ tập trung thảo luận các xu hướng kinh tế toàn cầu và phát triển đa phương lĩnh vực ngân hàng.

 
Italy cho biết tham dự hội nghị có Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) Paschal Donohoe, cùng những người đứng đầu các tổ chức toàn cầu và bộ trưởng các nước không phải là thành viên G7 được mời tham gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng ngày đã kêu gọi các bộ trưởng G7 xem xét "những lựa chọn tham vọng hơn" để sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga cho việc hỗ trợ Ukraine.

Theo bà Yellen, hội nghị dự kiến cũng sẽ thảo luận về vấn đề mà Washington coi là “dư thừa năng lực sản xuất” ở Trung Quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Yellen đánh giá năng lực sản xuất của Trung Quốc trong các ngành như xe điện, pin và tấm pin Mặt Trời "vượt quá xa nhu cầu trên toàn cầu". Washington cho rằng điều này dẫn đến xuất khẩu giá rẻ và kìm hãm tăng trưởng ở những nơi khác, theo đó đe dọa các công ty trên toàn thế giới, trong đó có cả các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 22/5 tuyên bố câu chuyện “dư thừa năng lực sản xuất” mà Washington hướng vào lĩnh năng lượng mới của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với thực tế và quy luật kinh tế.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 22/5 vừa qua cho biết, việc tăng thuế mạnh đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ duy trì các mức thuế do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, đồng thời tăng một số loại thuế khác, điển hình như tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện lên hơn 100% và tăng gấp đôi thuế đối với chất bán dẫn lên 50%.

Nhà Trắng cho hay các mức thuế mới này sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ Trung Quốc, trong đó có thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin Mặt Trời và cần cẩu.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, giai đoạn lấy ý kiến công chúng kéo dài 30 ngày sẽ kết thúc vào ngày 28/6. Chính phủ đang lấy ý kiến về tác động của việc tăng thuế này đối với nền kinh tế Mỹ, trong đó có người tiêu dùng.

Đại diện Thương mại Mỹ cho biết đề xuất tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nói trên "bao gồm các sản phẩm mà Trung Quốc đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, hoặc là các sản phẩm trong các lĩnh vực mà Mỹ đầu tư mạnh trong thời gian gần đây".

Trong đó, mức thuế đối với xe điện, dù thu hút sự chú ý của giới truyền thông, nhưng có thể có ảnh hưởng chính trị nhiều hơn là tác động thực tế tại Mỹ, nơi nhập khẩu rất ít xe điện từ Trung Quốc. Còn với các sản phẩm y tế, chính phủ đang lấy ý kiến công chúng về việc liệu mức thuế đối với khẩu trang, găng tay y tế, ống tiêm và kim tiêm có cần phải cao hơn mức đề xuất hay không.

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, nước này đã nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2023 và xuất khẩu 148 tỷ USD hàng hóa sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tình trạng thặng dư thương mại này đã kéo dài hàng chục năm nay và đang trở thành chủ đề nhạy cảm tại Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết các mức thuế sửa đổi nói trên là hợp lý vì Trung Quốc đang đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ. Nhưng bà Tai cũng đã khuyến nghị không đánh thuế đối với hàng trăm loại máy móc công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thiết bị sản xuất sản phẩm năng lượng Mặt Trời.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, họ đưa ra thông báo riêng hướng dẫn chi tiết cách các công ty có thể nộp đơn xin miễn trừ thuế đối với mặt hàng máy móc. Nhưng cơ quan này cho biết việc miễn trừ này, nếu được phê duyệt, sẽ được tính ngược lại từ ngày 22/5 và kết thúc vào ngày 31/5/2025.

Trong khi đó, một nhóm đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc khuyến cáo Bắc Kinh có kế hoạch tăng thuế với sản phẩm ô tô nhập khẩu, để đáp lại động thái gần đây của Mỹ và EU.

Trong thông cáo báo chí mới nhất, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) cho biết cơ quan này đã nhận được thông tin từ trong nước về việc Bắc Kinh đang xem xét tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu có dung tích xi-lanh lớn.

Theo CCCEU, kế hoạch tiềm tàng này sẽ có tác động đến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu, nhất là sau các diễn biến gần đây liên quan đến việc Mỹ tăng thuế 100% với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, hay EU mở điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng này của Trung Quốc.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 250.000 ô tô có công xuất xi-lanh lớn hơn 2,5 lít, chiếm 32% tổng lượng xe nhập khẩu. Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế tối đa mà Trung Quốc có thể áp dụng với xe nhập khẩu là 25%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục