MobiFone đạt tốc độ mạng 4G cao nhất

16:58' - 29/09/2017
BNEWS Mạng 4G MobiFone tại Hà Nội có tốc độ tải xuống trung bình là 36,91 Mbit/s và tốc độ tải lên trung bình là 19,28 Mbit/s.
 Test và trải nghiệm chất lượng mạng 4G của Viettel tại Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa công bố kết quả đo kiểm mạng 4G tại Hà Nội theo kế hoạch đo kiểm năm 2017 đối với chất lượng mạng 4G của 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone và Viettel.

Theo đó, các nhà mạng khác được thực hiện trên 8 chỉ số quan trọng nhằm đánh giá mức độ tuân thủ cam kết của các nhà mạng khi cấp phép băng tần 4G.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, kết quả đo kiểm này phản ánh chất lượng các chỉ tiêu kỹ thuật trong vùng lõi của địa bàn trong thời gian đo kiểm và các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật được xác định theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 81:2014/BTTTT.

Theo kết quả đo kiểm, chỉ số tốc độ mạng 4G của nhà mạng MobiFone đạt kết quả cao nhất dựa trên các chỉ số tải dữ liệu lên và xuống mà Cục Viễn thông công bố. Cụ thể, mạng 4G MobiFone tại Hà Nội có tốc độ tải xuống trung bình là 36,91 Mbit/s và tốc độ tải lên trung bình là 19,28 Mbit/s. Chỉ số, thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình theo tiêu chuẩn phải dưới 5 giây thì chỉ số này của MobiFone chỉ còn 1,69 giây, thấp nhất trong các nhà mạng được đo kiểm tại khu vực Hà Nội.

Trong khi đó, tốc độ tải dữ liệu xuống trung bình của mạng Viettel là 34,90 Mbit/s và tốc độ tải dữ liệu lên trung bình là 16,88Mbit/s. Chỉ số, thời gian trễ truy nhập dịch vụ 4G trung bình theo tiêu chuẩn phải dưới 5 giây thì chỉ số này của Viettel là 1,83 giây. Hai chỉ số độ sẵn sàng và tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ mạng 4G của Viettel đạt 100% trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu là từ 95% trở lên.

Chỉ số về độ tải dữ liệu lên, xuống trung bình và thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình dịch vụ 4G số rất quan trọng, liên quan đến tốc độ mạng 4G.

Ngày 27/7/2017, Tập đoàn Dữ liệu quốc ttế IDG đã công bố kết quả “Cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng về nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam năm 2017”. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 1/4 đến ngày 1/7/2017 tại 8 tỉnh, thành phố lớn với 13.828 phiếu khảo sát những người đã và đang sử dụng dịch vụ 4G.

Các câu hỏi phỏng vấn tập trung làm rõ khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của dịch vụ 4G; nhận định chung của người sử dụng về chất lượng, từng tiêu chí cụ thể; thói quen sử dụng dịch vụ 4G...

Kết thúc cuộc khảo sát, Hội đồng nghiên cứu đã họp và thống nhất các tiêu chí đánh giá dịch vụ 4G thành 3 nhóm để tính điểm. Theo kết quả khảo sát tại thời điểm đó, mạng MobiFone cũng được người dùng bình chọn "Nhà mạng có chất lượng dịch vụ 4G tiêu biểu”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia công nghệ thông tin và viễn thông, để nâng cao tốc độ dịch vụ viễn thông nói chung và mạng 4G nói riêng, cần nhiều yếu tố như số lượng người dùng trên một địa điểm, chiến lược và việc đầu tư hạ tầng của nhà mạng, tối ưu của nhà mạng…

Tại Việt Nam, để phát triển 4G, mỗi nhà mạng đều xây dựng một chiến lược để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần, trong đó các nhà mạng tập trung xây dựng hạ tầng cả 3G và 4G. Có nhà mạng tập trung phủ sóng 4G với chất lượng tốt ở các khu đô thị nơi có nhu cầu lớn, sau đó mới phủ sóng đến vùng nông thôn nơi vẫn đang được phủ kín 3G.

Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng với các nhà mạng là phải đảm bảo chất lượng khi cung cấp dịch vụ 4G. Thủ tướng khuyến cáo nhà mạng đã cung cấp 4G phải đúng là 4G chứ không phải là 3G+...

Khuyến cáo của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh các tổ chức độc lập của nước ngoài xếp hạng Việt Nam đứng cuối bảng về băng rộng di động. Trước thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực chỉ đạo các đơn vị viễn thông tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng 4G, làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

>>> Viettel tung gói cước không giới hạn lưu lượng MiMax 4G

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục