Mối đe dọa đối với kinh tế Australia

05:30' - 09/01/2023
BNEWS Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, bắt nguồn từ việc chính phủ nước này đột ngột dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt, sẽ gây rủi ro lớn đối với kinh tế Australia trong năm 2023.

Theo trang mạng The Sydney Morning Herald, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers cảnh báo rằng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, bắt nguồn từ việc chính phủ nước này đột ngột dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt, sẽ gây rủi ro lớn đối với kinh tế Australia trong năm 2023 và làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nước này.

Tháng 12/2022, hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh lan rộng khắp đất nước đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất của siêu cường châu Á.

Ngày 2/1, Bộ trưởng Chalmers bình luận: “Tác động của COVID-19 đối với Trung Quốc và chuỗi cung ứng là một trong những rủi ro chính đối với kinh tế Australia trong năm 2023. Australia phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng như lực lượng lao động Trung Quốc trong hoạt động sản xuất hàng hóa”.

Khi chúng ta bước vào một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu, có thể thấy chuỗi cung ứng sẽ phải chịu áp lực lớn từ làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Chalmers cho biết, nhiều nhà phân tích tài chính dự đoán rằng các điều kiện ở Trung Quốc sẽ xấu đi trước khi được cải thiện và đây là một mối lo ngại lớn đối với Australia do Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của “xứ sở chuột túi".

Bộ trưởng Chalmers nhấn mạnh: “Làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng, và chúng tôi cho rằng tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn trước khi được cải thiện”.

Ông cũng cho biết thêm rằng Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đang theo dõi chặt chẽ các tác động dây chuyền đối với kinh tế Australia khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “Không COVID”.

David Bassanese, chuyên gia kinh tế trưởng của Betashares - một trong những nhà cung cấp hàng đầu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các quỹ giao dịch thuộc sàn giao dịch chứng khoán Australia (ASX) khác tại Australia - cho biết việc Trung Quốc đột ngột quay lưng với chính sách “Không COVID” đã khiến các doanh nghiệp Australia ngạc nhiên.

Theo ông Bassanese, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc bị gián đoạn, và điều này gây tổn hại cho các doanh nghiệp trên diện rộng, trong khi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ Australia phụ thuộc vào hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông nhận định: “Cũng có thể xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung các loại thiết bị điện tử tiêu dùng. Tác động ngắn hạn là nó sẽ khiến các vấn đề về chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn”.         

Bất chấp những dự báo về tác hại trong thời gian ngắn đối với chuỗi cung ứng, một số lĩnh vực vẫn tập trung vào lợi ích dài hạn sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “Không COVID”.

Hoạt động khai thác mỏ đã tăng trong những tháng cuối của năm 2022 với những dự đoán rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu khoáng sản của Australia.

Các nhà phân tích của MST Marquee cho rằng không chỉ đồng USD yếu hơn hỗ trợ giá hàng hóa, mà việc kinh tế Trung Quốc đang phục hồi cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với giá cả”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục