Mỗi dự án bất động sản đang gánh hơn 30 thủ tục

16:03' - 14/07/2022
BNEWS Trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở, khu đô thị được quy định tại nhiều hệ thống luật khác nhau; trong đó, bao gồm khoảng hơn 10 luật chính và liên quan đến nhiều luật khác.

Chiều 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững (tiếp nối Hội nghị về thị trường vốn mới đây). Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và nêu rõ những hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế từ đó đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh.

Thực tế cho thấy, thủ tục vẫn là một trong những rào cản lớn trong phát triển thị trường bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, để triển khai 1 dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị phải thực hiện 5 bước chính với khoảng trên 30 thủ tục lớn nhỏ khác nhau.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản hoàn thiện, đồng bộ bao gồm Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và nhiều Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...

Nhiều Luật quan trọng cũng đã được nghiên cứu, sửa đổi, Quốc hội thông qua. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị định về thi hành luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục, tạo thông thoáng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở, khu đô thị được quy định tại nhiều hệ thống luật khác nhau; trong đó, bao gồm khoảng hơn 10 luật chính và liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, để triển khai 1 dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị phải thực hiện 5 bước chính với khoảng trên 30 thủ tục lớn nhỏ khác nhau.    

Mặc dù, việc thực hiện các thủ tục, nội dung này đã được quy định cụ thể nhưng nằm rải rác ở rất nhiều hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc giải quyết, thụ lý do nhiều cơ quan đầu mối khác nhau; chưa có quy định cụ thể thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hoặc các thủ tục được phép thực hiện song song, đồng thời…

Do vậy, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, trình tự thực hiện thiếu thống nhất trong giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư xây dựng dự nhà ở, khu đô thị - Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Liên quan đến những vướng mắc trong phát triển thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, hội nghị góp phần triển khai kịp thời Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, tháo gỡ các khó khăn, xử lý các bất cập, vướng mắc, hạn chế, yếu kém của thị trường bất động sản, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Sự kiện này được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản mong đợi.

Để thực hiện được các mục tiêu này, theo ông Lê Hoàng Châu, cần phải tạo được sự chuyển biến thực chất ở cả 3 cấp độ. Trước tiên là ở cấp độ văn bản luật với trọng tâm là xây dựng Luật Đất đai và các luật liên quan. Tiếp đến là cấp độ văn bản dưới luật và cuối cùng là khâu thực thi pháp luật ở các bộ và các địa phương, nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, công bằng, lành mạnh, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đại diện HoREA kiến nghị nỗ lực thực hiện mục tiêu “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất”. Trong năm 2023, đi đôi với việc phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013, Hiệp hội kiến nghị hoàn thành sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Quản lý đô thị 2009 (thay thế bằng Luật Quản lý và phát triển đô thị theo Đề án của Bộ Xây dựng) và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2020, Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu giá tài sản 2016, các Luật Thuế giá trị gia tăng... để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Về giải pháp về hoàn thiện thể chế, Bộ xây dựng đề xuất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi)… để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.

Cùng đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở; trong đó, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: quyết vướng mắc trong lựa chọn chủ đầu tư và thẩm định đối với dự án nhà ở; xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; sửa đổi bổ sung quy định về sở hữu nhà và thời hạn sở hữu nhà ở chung cư; sửa đổi, bổ sung quy định về nhà ở xã hội về đối tượng, điều kiện và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi bổ sung quy định về quản lý sử dụng nhà ở và quản lý sử dụng nhà chung cư…

Sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tập trung vào trọng tâm quy định cụ thể về kinh doanh nhà ở, kinh doanh công trình xây dựng, quyền sử dụng đất trong dự án kinh doanh bất động sản và các loại bất động sản mới hình thành (như văn phòng kết hợp lưu trú, căn hộ lưu trú, nhà thương mại liên kế…);

Đồng thời, tăng cường quản lý giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường quản lý hoạt động môi giới bất động sản để nâng cao trình độ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; bổ sung quy định về điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh…

Thời gian tới, các quy định của pháp luật đất đai về cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như: đấu giá, xác định giá đất cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tốt hơn công tác đấu giá quyền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chia tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất… nhằm quản lý chặt chẽ việc chia tách quyền sử dụng đất, phân lô, bán nền quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị để thống nhất trong giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư xây dựng dự nhà ở, khu đô thị tại địa phương để đảm bảo nhanh gọn, rút ngắn thời gian; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hỗ trợ nguồn cung cho thị trường.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán cũng cần hoàn thiện để kiểm soát hoạt động phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật, sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng để kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Quy định pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật và tránh rủi ro cho thị trường nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoạt động ổn định.

Theo Bộ Xây dựng, những năm qua, thị trường bất động sản đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây đạt khoảng 11%; trong đó, đóng góp của bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%.

Năm 2021, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì trương đối ổn định.

Sang đầu đầu năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Nghị quyết số 211/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đồng bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục