Mối quan hệ giữa truyền thông và chính trị trong vấn đề “tin tức giả”

07:02' - 30/11/2018
BNEWS Trong những năm gần đây, ở các nước phát triển, những quan ngại về "tin tức giả” được đề cập rất nhiều khi nói đến mối quan hệ giữa truyền thông và chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát 

Giới học giả và công chúng dành sự quan tâm đặc biệt về mối quan hệ giữa sự thật, tính xác thực, sự lừa dối với vai trò của "tin tức giả" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như việc Tổng thống Donald Trump sử dụng thuật ngữ "tin tức giả" để phản bác lại các chỉ trích. 

Vậy làm thế nào để lấy lại niềm tin của độc giả đối với phương tiện truyền thông? Nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ đơn thuần tuyên truyền cho khán giả về sự nguy hiểm của "tin tức giả" là không đủ. Các cơ quan truyền thông cần có phương pháp tiếp cận đa hướng, toàn diện hơn, nỗ lực nhiều hơn để lấy lại niềm tin của độc giả. 

Tuy nhiên, dữ liệu thu thập được qua khảo sát vẫn còn một số hạn chế. Dù nỗ lực khảo sát ý kiến của các tầng lớp dân cư khác nhau, số ý kiến đưa ra có thể đại diện cho quan điểm của tầng lớp trung lưu thành thị, hơn là người dân ở khu vực nông thôn hoặc những người có mức thu nhập thấp hơn hoặc tổng hợp cả hai.

Hiện còn nhiều tranh cãi liên quan bản thân thuật ngữ "tin tức giả" bởi nội hàm cụ thể của từ chưa được xác định rõ ràng. Do quan ngại về sự lây lan của thông tin sai lệch nói chung, các nhà báo hiện đại trở nên mẫn cảm hơn và thường tự xem xét các giá trị và tiêu chuẩn của nghề báo.

Sự gia tăng của thông tin sai lệch có nguồn gốc từ sự phức tạp của yếu tố văn hóa và xã hội. Tuy nhiên cho đến nay, hiện tượng này chủ yếu được quan tâm ở Mỹ và châu Âu mà ít được đề cập ở các nước châu Phi.

Trang mạng theconversation.com ngày 21/11 đã phân tích kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa Quỹ Nghiên cứu quốc gia Nam Phi và Đại học Cape Town về vấn đề "tin tức giả" trên phương tiện truyền thông tại Nam Sahara châu Phi. 

Trên thực tế, thông tin không chính xác ở châu Phi thường dưới hình thức các phát biểu cực đoan kích động bạo lực hoặc truyền bá tư tưởng phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ, tư tưởng bài ngoại thông qua các ứng dụng mạng xã hội trên nền tảng điện thoại di động như WhatsApp.

Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa Quỹ Nghiên cứu quốc gia Nam Phi và Đại học Cape Town đã tiến hành khảo sát về "tin tức giả" ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi thông qua trao đổi trực tuyến ở Kenya, Nigeria và Nam Phi với 3 mục tiêu: đánh giá mức độ phổ biến của thông tin không chính xác; xác định xem theo ý kiến của người dân, ai sẽ chịu trách nhiệm ngăn chặn "tin tức giả"; cuối cùng là đánh giá mối quan hệ giữa thông tin không chính xác và sự tin tưởng đối với truyền thông.

Sử dụng chính các câu hỏi mà Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ đã từng sử dụng trong khảo sát về "tin tức giả" năm 2016, nhóm nghiên cứu đã tham khảo ý kiến của 755 người. Bằng cách này, nhóm nghiên cứu có thể so sánh kết quả đạt được ở các nước châu Phi với kết quả khảo sát tại Mỹ năm 2016.

Kết quả cho thấy những người châu Phi tham gia khảo sát ít tin tưởng phương tiện truyền thông hơn và đã tiếp xúc nhiều hơn với thông tin sai lệch và chính người tiếp nhận thông tin lại góp phần phát tán (thường là cố ý) thông tin sai lệch.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 5 kết luận chính. Thứ nhất, độc giả của truyền thông ở Kenya, Nigeria và Nam Phi đánh giá họ tiếp xúc với "tin tức giả" trên lĩnh vực chính trị một cách khá thường xuyên. Khoảng 45% số người Kenya được hỏi cho biết họ thường tiếp xúc với các tin chính trị được cho là bịa đặt hoàn toàn.

Chỉ một phần nhỏ (từ 1-3%) cho biết họ chưa bao giờ gặp phải tin tức bịa đặt, so với tỷ lệ cao hơn rất nhiều (12%) ở Mỹ. Ở mức độ "đôi khi" tiếp nhận thông tin sai lệch, tỷ lệ ở châu Phi cũng cao hơn ở Mỹ (với tỷ lệ ở các nước được khảo sát là Nigeria 56%, Kenya và Nam Phi đều 48%, Mỹ 40%).

Thứ hai, những người châu Phi được khảo sát cho biết họ chia sẻ "tin tức giả" (sau khi chia sẻ, người khảo sát mới biết là "tin tức giả") với mức độ cao hơn nhiều so với người Mỹ: Kenya 38%, Nam Phi 35%, Nigeria 28%, trong khi ở Mỹ là 16%. Cứ 1 trong 5 người Nam Phi, 1 trong 4 người Kenya và người Nigeria được hỏi cho rằng họ nhận thức được "tin tức giả" ngay từ lúc chia sẻ cho người khác.

Thứ ba, phần lớn các ý kiến được hỏi cho rằng công chúng là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan thông tin sai lệch. Hơn 2/3 số người được hỏi ở cả 3 quốc gia cho rằng những người tiếp nhận thông tin có vai trò lớn hoặc rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của thông tin thiếu chính xác. Tiếp theo mới đến các công ty truyền thông xã hội và cuối cùng là chính phủ.

Thứ tư, so với số người tham gia khảo sát của 3 nước, người dân Nigeria ít tin tưởng nhất vào giới truyền thông. Xét theo thang điểm từ 0-100, trung bình mức độ tin tưởng vào các phương tiện truyền thông (của nhà nước, địa phương, quốc tế, xã hội) ở cả 3 nước đều thấp hơn 50. Không chỉ ở riêng khu vực Nam Sahara châu Phi, mức độ tin cậy đối với phương tiện truyền thông giảm, mà đây là xu hướng toàn cầu.

Đối với loại hình cơ quan truyền thông, độc giả Nigeria và Kenya tin tưởng truyền thông quốc tế nhiều hơn bất kỳ loại hình phương tiện nào khác. Ở Nam Phi, phương tiện truyền thông địa phương là đáng tin cậy nhất. Số người tham gia khảo sát ở cả 3 nước đều cho rằng họ ít tin tưởng nhất vào truyền thông xã hội.

Thứ năm, số người được hỏi cho rằng khi càng tiếp xúc nhiều với "tin tức giả", họ càng ít tin tưởng hơn các phương tiện truyền thông. Dường như tin tức sai lệch, thiếu chính xác đang làm xói mòn niềm tin của độc giả đối với giới truyền thông. Điều quan trọng là các chiến lược để đối phó với hiện tượng "tin tức giả" vượt quá khả năng của ngành truyền thông.

Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về tin sai lệch và không chính xác được tiến hành ở nhiều nước châu Phi, đã cung cấp cơ sở ban đầu để đưa ra các chiến lược nhằm hạn chế sự lan truyền của "tin tức giả" cũng như ngăn chặn tình trạng thiếu tin tưởng của độc giả đối với giới truyền thông.

Các phương tiện truyền thông độc lập ở khu vực Nam Sahara châu Phi nếu không có biện pháp giải quyết tỷ lệ cao độc giả tiếp xúc với thông tin sai lệch và thông tin không chính xác, vị trí vốn đang bấp bênh của giới truyền thông khu vực càng có nguy cơ xấu hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục